MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngậm đắng với quy hoạch "không lối thoát"!

12-07-2022 - 10:25 AM | Bất động sản

Hàng ngàn gia đình ở tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đang khốn khổ bởi quy hoạch treo đã "bó" tất cả ước mơ của họ trong cảnh sống tạm bợ, thiếu thốn đủ bề.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng - Đầu tư - Kinh doanh Địa ốc Tân Vũ Minh làm chủ đầu tư dự án 24 ha thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, với tên gọi "Dự án KDC Thế kỷ 21". Đây là dự án được đánh giá sẽ làm thay đổi bộ mặt của TP Thủ Dầu Một với một khu đa chức năng gồm thương mại dịch vụ, giáo dục, giải trí, chung cư, nhà ở xã hội...

Mong đợi ngậm ngùi

Từ đó đến nay đã 15 năm trôi qua, vậy mà, từ đường Yersin sầm uất và đắt đỏ bậc nhất của Bình Dương đến "Dự án KDC Thế kỷ 21" chỉ cách chừng 100 m lại là hình ảnh những con đường đất, trời nắng bụi mù, mưa sình lầy nhem nhuốc. Ngồi bần thần dưới gốc cây trước nhà, ông Đinh Minh Thành (85 tuổi) nói căn nhà của ông đã xây hơn 40 năm. "Hồi đó, không có tiền nên làm tạm bợ, giờ mọi thứ trong nhà xuống cấp trầm trọng nhưng chính quyền lại không cho sửa chữa. Hôm nào mưa to là phải xách chậu đi hứng nước khắp nơi trong nhà" - ông Thành than vãn.

Trước đây, vợ chồng ông Thành cứ nghĩ đến lúc về già sẽ có cuộc sống an nhàn khi được nhà nước đền bù hơn 1.000 m2 đất trong KDC này, rồi hết năm này đến năm khác, ở cái tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông vẫn mòn mỏi chờ đợi. "Tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong địa phương có phương án làm sớm, miễn sao giá đền bù phù hợp với thị trường là được hoặc xóa quy hoạch để còn tính đường làm ăn" - ông Thành mong mỏi.

Ngậm đắng với quy hoạch không lối thoát! - Ảnh 1.

Chỉ nằm cách con đường Yersin sầm uất và đắt đỏ của tỉnh Bình Dương chừng 100 m nhưng “Dự án KDC Thế kỷ 21” chẳng khác làng quê giữa phố. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Ngoài nhà cửa xập xệ, xuống cấp, các hộ dân nằm trong "Dự án KDC Thế kỷ 21" còn phải chịu cảnh không có nước sạch sinh hoạt, trong khi nguồn nước giếng ở đây lại không bảo đảm an toàn. Theo chị Hoàng Thị Lan (người dân bị ảnh hưởng bởi dự án), đáng lẽ KDC này là nơi biết bao người mơ ước nhưng hiện nay, nhìn cảnh cỏ mọc um tùm, đường sá gồ ghề như thế ai cũng nản, cũng bức xúc. Mặc dù chính quyền cấm mua bán, chuyển nhượng đất nhưng nhiều người không đủ kiên nhẫn đã bán tống bán tháo để tìm đường sinh nhai sau bao năm vật vạ trong những ngôi nhà xuống cấp, túng thiếu. "15 năm chờ đợi với đủ các thiệt thòi chồng chất. Nói thật, như vậy là quá bất công với những người bán tống bán tháo để ra đi cũng như những người ở lại như tôi" - chị Lan nói và mong chính quyền sớm giải quyết rốt ráo để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Ở Đồng Nai, theo ghi nhận cũng có khá nhiều dự án treo tương tự như "Dự án KDC Thế kỷ 21" khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Dự án khu nhà ở công nhân, chuyên gia có diện tích 9 ha nằm ngay trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch (thuộc xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là một điển hình. Dự án này do Công ty TNHH Vạn Phúc làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2004 đến nay vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện hạ tầng. Sau gần 20 năm, hiện nay nhà ở công nhân, biệt thự chuyên gia không thấy đâu, thay vào đó là những lô nền nham nhở cùng với một số đường bê-tông dọc ngang khu đất, cỏ mọc um tùm. Gia đình ông Đặng Văn Minh (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) đã giao hơn 4.000 m2 đất gồm cả sổ đỏ cho chủ đầu tư từ năm 2008 để đổi lấy 4 nền. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm, ông Minh không hề nhận được nền đất nào.

Ông Minh chỉ là một trong nhiều hộ đã giao đất sản xuất cho Công ty TNHH Vạn Phúc rồi tất cả... mất dạng, các hộ dân lâm vào cảnh khốn khổ vì không có đất sản xuất, lại không có nền đất để xây nhà như công ty đã hứa. Ngoài những gia đình có đất trong dự án gặp cảnh khốn khó vì dự án "treo" thì nhiều hộ đăng ký mua đất trong dự án cũng điêu đứng vì đã giao 80%-90% giá trị nền đất cách đây nhiều năm nhưng hiện vẫn chưa được bàn giao.

Gần 20 năm sống "treo" quyền lợi, ông Tạ Hồng Quân (50 tuổi; ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) bức xúc nói căn nhà của ông được xây vào khoảng năm 2003 nên khi hay tin dính quy hoạch, gia đình ông vẫn vui vẻ chờ giao đất, giao nhà. Vậy mà đến nay, mái tôn đã thủng, gỉ sét mà dự án vẫn chưa thấy đâu. "Chúng tôi cứ sống mòn tại mảnh đất của mình. Vì vướng dự án treo mà không được cấp sổ hồng, không được xây dựng mới hay sửa chữa, không thể chia tách cho con khi đến tuổi trưởng thành muốn làm nhà sống riêng. Khổ trăm bề" - ông Quân buồn bã nói.

Ông Quân là một trong số gần 4.000 hộ dân nằm trong 3 dự án treo ở phường Long Bình Tân, gồm dự án KDC tại khu phố 2, 3; dự án KDC khu phố 1 do Công ty Đầu tư Đô thị Kinh doanh nhà làm chủ đầu tư (nay sáp nhập vào Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai) và dự án phát triển hạ tầng và cây xanh tại khu phố 3.

Tính toán điều chỉnh

Trước sự kêu cứu của người dân, ông Đoàn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, thừa nhận nhiều năm nay, người dân liên tục phản ánh những khó khăn, đề nghị UBND phường và UBND TP Biên Hòa sớm xóa bỏ các dự án đã kéo dài nhiều năm. "UBND phường đã có văn bản đề nghị TP Biên Hòa và được trả lời đợi điều chỉnh quy hoạch xây dựng" - chủ tịch UBND phường Long Bình Tân nói. Trong khi đó, UBND TP Biên Hòa cho hay đang tiếp tục rà soát các khu vực quy hoạch đất dự án không còn phù hợp để UBND TP báo cáo UBND tỉnh xử lý.

Liên quan dự án khu nhà ở công nhân, chuyên gia ở huyện Nhơn Trạch, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Võ Tấn Đức sau khi nghe Cục Thuế tỉnh báo cáo vướng mắc trong việc định giá và thu tiền sử dụng đất của Công ty TNHH Vạn Phúc (nay là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phúc Long Khang do ông Huỳnh Văn Thích làm giám đốc điều hành). Cụ thể, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp, Cục Thuế tỉnh và UBND huyện Nhơn Trạch rà soát hồ sơ pháp lý toàn bộ dự án này của công ty trên để báo cáo tham mưu và đề xuất với chủ tịch UBND tỉnh.

Ngậm đắng với quy hoạch không lối thoát! - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Đinh Minh Thành ngày ngày mong chờ chính quyền tìm cách tháo gỡ cho “Dự án KDC Thế kỷ 21” để có thể an hưởng tuổi già bên con cháu. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Đối với "Dự án KDC Thế kỷ 21", ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết trong quá trình đầu tư, phát sinh các vấn đề pháp lý và giải tỏa đền bù nên chủ đầu tư chậm thực hiện. UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục gia hạn nhưng dự án vẫn không có tiến triển thêm. Đến ngày 6-11-2015, Công ty TNHH Xây dựng - Đầu tư - Kinh doanh Địa ốc Tân Vũ Minh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án và đã được chấp thuận. Một năm sau kể từ ngày thu hồi dự án, qua ý kiến các sở, ngành, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất phương án quy hoạch khu đất 24 ha thành dự án Công viên Phú Cường gồm khu nhà ở tái định cư và công viên cây xanh. Thế nhưng, sau 6 năm đưa ra phương án quy hoạch, dự án này vẫn không khả thi.

Gần đây nhất, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp và kết luận giao Sở Xây dựng và TP Thủ Dầu Một nghiên cứu quy hoạch phân khu theo 2 phương án. Phương án 1 là quy hoạch thành trung tâm hồ điều tiết cảnh quan theo hướng đấu thầu; phương án 2 là sẽ cho người dân tái định cư ngay trong khu vực của dự án này, nếu sau này nhà nước có thực hiện dự án thì sẽ bồi thường. "Hiện Sở Xây dựng đang nghiên cứu phương án nào tiện lợi nhất cho người dân, trước mắt là phải quy hoạch, sau đó tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư nhưng chắc chắn rằng để làm dự án này sẽ mất rất nhiều thời gian, trong đó khó nhất là công tác giải tỏa đền bù" - ông Võ Hoàng Ngân thông tin và khẳng định khi thực hiện dự án, người dân sẽ được đền bù đúng theo giá thị trường.

Nhiều cán bộ có tư tưởng e ngại

Nói về các dự án chậm triển khai, theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ngoài vướng mắc trong giải phóng mặt bằng còn có nguyên nhân do việc thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, hiện nay trong cán bộ công chức có tư tưởng e ngại sau khi một số cán bộ bị xử lý do sai phạm liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư thiếu năng lực, thiếu chủ động phối hợp với địa phương.

"Tới đây, sẽ không xem xét cho tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án của tỉnh đối với những nhà đầu tư yếu năng lực. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với trường hợp chây ì, vi phạm" - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Theo Thảo Nguyễn - Nguyễn Tuấn

Người lao động

Trở lên trên