MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ngấm đòn' hậu dịch, hàng loạt doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

TP - Sau dịch COVID-19, cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể… “ngấm đòn” hậu dịch. Thực trạng này đang làm cho nạn thất nghiệp gia tăng.

Cuộc sống người công nhân hậu dịch COVID-19 tưởng sẽ ổn định hơn, nhưng khó khăn lại thêm bội phần, nhất là công nhân bị sa thải. Hàng vạn lao động thất nghiệp kéo theo là người thân, gia đình họ điêu đứng.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 22.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

TPHCM, Bình Dương là những nơi hoạt động kinh tế sôi động nhất nước, song tỷ lệ doanh nghiệp (DN) thất nghiệp, rơi vào nguy cơ phá sản khá lớn.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2020, ông Nguyễn Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, kết quả khảo sát trên 16.300 (chiếm gần 12% tổng số DN đang hoạt động) cho thấy, có đến 85,4% số DN cho biết chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Cục Thống kê TPHCM, DN càng lớn, kinh doanh nhiều ngành nghề càng bị tác động do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất như dệt may, giày da…

Trong giai đoạn dịch COVID-19, DN phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn như: Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng. 49,45% số DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp; 15,3% cho rằng hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước và có đến 42,4% DN không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 2.015 DN, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 7.257 DN tạm ngưng hoạt động, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp khó trăm bề

Rất nhiều DN ở các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã cắt giảm hoặc đang lên kế hoạch cắt giảm vài trăm nhân sự để cầm cự. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM cho rằng, các DN cắt giảm lượng lớn lao động thời gian qua chủ yếu là những đơn vị chuyên gia công theo đơn đặt hàng xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ, và sử dụng rất nhiều công nhân.

Do đó, khi dịch COVID-19 còn chưa được kiềm chế ổn định, những DN này thiếu đơn hàng trầm trọng, dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải nhân viên trên diện rộng. “Huê Phong là bài học đầu tiên. Trước đó, DN này tính phương án nghỉ giãn ra hoặc nghỉ không lương để tiếp tục duy trì hoạt động, tìm đơn hàng mới. Nhưng đến lúc này không thể cầm cự nổi, buộc họ phải cho công nhân nghỉ. Huê Phong và PouYuen phải cùng cực lắm mới cắt giảm nhiều lao động đến vậy”, bà Thúy nhìn nhận.

Cũng theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động TPHCM, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, tình trạng không có đơn hàng tiếp tục kéo dài khiến các DN may mặc, giày da… chuyên gia công cho nước ngoài sẽ không còn việc và lượng lao động thất nghiệp sẽ còn tăng hơn nữa.

Theo Cục Hải quan Bình Dương, có hàng trăm DN lớn hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh. Các hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm hơn một nửa, thậm chí có những mặt hàng gần như đứng yên so với cùng kỳ năm trước. Thị trường ngành gỗ, giày da, may mặc ảnh hưởng do các nước áp dụng chính sách hạn chế xuất nhập khẩu dẫn đến việc làm gián đoạn tiến độ thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đây, lượng hàng tồn kho lớn.

Hiện nay, dòng tiền của các DN lại nằm trong hàng hóa, nguyên vật liệu nên rất khó khăn trong chi phí nhân công, kho bãi. Đối với các đơn vị giày da, may mặc xuất khẩu trên địa bàn, số đơn hàng đã bị cắt giảm từ 50% đến 60%. DN rơi vào cảnh vừa thiếu nguyên liệu sản xuất vừa tồn hàng do xuất đi không được.

Dự báo thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của một số DN ở Bình Dương sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu, hoặc có nguồn gốc từ các nước bị dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. Số khác cũng rất có thể sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, sắt thép.

Con số về thất nghiệp đáng buồn

Tính đến ngày 3/6, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM đã thực hiện việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 213 DN với gần 19.000 lao động. Tổng số tiền BHXH xấp xỉ 74 tỷ đồng. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, BHXH vẫn đang tiếp tục nhận và trả kết quả hồ sơ trực tiếp của DN, nhằm đảm bảo kịp thời việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động theo quy định của Chính phủ và UBND TPHCM. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, đã có 2.067 đơn vị gửi danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với trên 209.000 người. BHXH TPHCM đã xác nhận hồ sơ với gần 43.000 lao động đủ điều kiện tạm dừng đóng BHXH.

Báo cáo của Liên đoàn Lao động TPHCM, tính đến nay, các cấp công đoàn thành phố đã chăm lo 18.069 đoàn viên với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng; vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho thuê 57.606 phòng trọ, miễn thu tiền 200 phòng; chăm lo 742 đoàn viên thuộc các nghiệp đoàn nhóm trẻ tư thục với tổng số tiền 890 triệu đồng; hỗ trợ 7.000 suất ăn cho công nhân.

Tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 5, Bình Dương có 280 doanh nghiệp ngừng hoạt động với gần 144.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó số bị chấm dứt hợp đồng lao động gần 11.150 người; số lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 50.000 người, số lao động phải giảm giờ làm việc gần 83.000 người.

Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, những DN quá khó khăn, công nhân đồng hành chia sẻ bằng cách đồng ý tạm hoãn hợp đồng lao động, tạo điều kiện để công ty sắp xếp, cơ cấu lại. DN cam kết khi phục hồi sẽ nhận công nhân quay trở lại làm việc. Cán bộ công đoàn đại diện cho công nhân đứng ra thương lượng với chủ DN, đồng thời cũng giải thích với công nhân về việc được hỗ trợ từ Chính phủ để người lao động yên tâm.

Ba kịch bản lao động thất nghiệp do dịch bệnh

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động.

Để thúc đẩy kết nối cung cầu lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web việc làm quốc gia. Trước mắt, trang web sẽ nghiên cứu để góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tránh để xảy ra tụ tập đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ. Đồng thời, trang này tạo cơ hội việc làm cho người lao động qua việc kết nối, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề, trường nghề, kết nối với doanh nghiệp...

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng dự thảo kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề; chuyển đổi việc làm...

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến ngày 10/6/2020, cả nước có 478.943 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 111,7% so với 6 tháng đầu năm 2019).

Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết tháng 5/2020 là: 343.376 người, với tổng số tiền dự kiến trợ cấp thất nghiệp là 6.028 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả trợ cấp thất nghiệp đến hết tháng 5/2020 là 4.494 tỷ đồng.

Dự báo về thị trường lao động trong tháng 6 và Quý II/2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình hình lao động ngừng việc có xu hướng giảm do doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại làm việc. Khi đó có ba kịch bản cho thị trường lao động.

Một là, nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến tích cực, số lao động mất việc làm hằng tháng sẽ vào khoảng 70 - 80 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng chiếm khoảng 70-75%, số lao động ngừng việc ước khoảng 3-3,5 triệu người.

Hai là, nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến đi ngang hoặc chuyển biến xấu, số lao động mất việc làm hằng tháng sẽ rơi vào khoảng 80-90 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng chiếm 80% tổng số doanh nghiệp và số lao động ngừng việc vào khoảng 5-5,6 triệu người.

Ba là, nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến xấu, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì khi đó số lao động mất việc làm hằng tháng sẽ vào khoảng 90-100 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên đến 90% và số lao động ngừng việc sẽ vào khoảng 6,1-7,2 triệu người.

Dương Hưng

Theo Uyên Phương - Hương Chi - Mạnh Thắng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên