Ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Thời gian gần đây, lực lượng công an các địa phương trên địa bàn cả nước đã liên tiếp phát hiện và kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng. Qua đó giúp nhiều người dân không bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
- 10-06-2024Cảnh báo 6 vụ lừa đảo trực tuyến nổi bật tuần qua
- 10-06-2024Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam: Có nhiều đối thủ cạnh tranh là điều tích cực!
- 10-06-2024Không như Trung Quốc 996, lập trình viên ở nước láng giềng này làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cũng chẳng lo bị sa thải ở tuổi 35
Trước đó, anh Vũ Ngọc Ch (sinh năm 1990, ở thành phố Ninh Bình) nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an phường Vân Giang hẹn anh Ch ngày hôm sau đến Công an TP Ninh Bình gặp người cán bộ tên “Tr” để cập nhật lại thông tin trên Căn cước công dân bị sai ngày sinh.
Tiếp đó, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, có một người đàn ông khác gọi điện cho anh Ch, tự xưng tên là “Tr”, cán bộ Công an thành phố Ninh Bình, đề nghị sẽ hướng dẫn anh cập nhật lại thông tin trên thẻ Căn cước công dân bằng hình thức “Online”, anh sẽ không phải ra Công an thành phố Ninh Bình để làm nữa.
Sau khi anh Ch đồng ý, người đàn ông đó hướng dẫn anh tải 1 App trên điện thoại, hướng dẫn anh cài đặt, đăng nhập tên và mật khẩu, quét vân tay, xác thực khuôn mặt theo hướng dẫn của anh ta.
Thực hiện theo hướng dẫn của người đàn ông kia, khoảng 15 phút sau, anh Ch phát hiện tài khoản ngân hàng của mẹ vợ anh (do mẹ vợ anh không sử dụng điện thoại thông minh nên nhờ anh Ch cài đặt trên điện thoại của anh để quản lý giúp bà), bỗng dưng bị tự động thực hiện 2 giao dịch chuyển tiền đến số tài khoản của Ngân hàng khác với số tiền 500 triệu đồng, nghi ngờ, anh Ch gọi điện cho số điện thoại của người đàn ông tên Tr nhưng không liên lạc được.
Anh Ch gọi điện báo tin cho Công an TP Tam Điệp, Công an thành phố Tam Điệp lập tức báo cho lãnh đạo Ngân hàng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh thành phố Tam Điệp, do có sự phối hợp kịp thời, nhanh chóng, hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh thành phố Tam Điệp đã báo cáo Cơ quan cấp trên, đồng thời tiến hành phong toả ngay số tiền 500 triệu đồng, không để đối tượng tẩu tán tài sản, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố Tam Điệp điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng xảy ra một vụ tương tự. Theo đó,ngày 04/5/2024, anh Lê Quang Lâm, sinh năm 1990 ở thôn Phú Minh, xã Đông Hoà, huyện Đông Sơn nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ Công an huyện thông báo thông tin cá nhân của anh trên dữ liệu quốc gia Vneid bị thiếu và yêu cầu anh lâm gọi lại để cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Do được Công an xã Đông Hoà và Công an huyện Đông Sơn tuyên truyền, cảnh báo nhiều về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nên anh Lâm đã nghi ngờ và cảnh giác không cung cấp các thông tin cá nhân, sau đó liên hệ với Công an xã Đông Hoà để trình báo sự việc.
Cũng như anh Lâm, chị Thiều Thị Dung ở xã Đông Tiến, chị Trần Thị Uyên ở xã Đông Minh và anh Lê Minh Năm ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn cũng bị các đối tượng gọi điện giả danh lực lượng công an yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ cá nhân để nâng mã định danh mức 2, hay như anh Lê Văn Khang, ở xã Đông Thanh và bà Nguyễn Thị Ngát, ở xã Đông Hoà thì bị các đối tượng gọi điện thông báo số điện thoại cá nhân đang bị sử dụng để làm ăn phi pháp, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác và những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị, những người dân này đã không hoang mang, lo lắng mà vẫn bình tĩnh xử lý tình huống, do đó đã không “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Từ những vụ lừa đảo xảy ra ở trên cho thấy hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới, xong cách thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng liên tục thay đổi và ngày càng tinh vi nhằm thao túng tâm lý và “bẫy” những người dân nhẹ dạ cả tin. Do đó mỗi người dân cần phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội và luôn đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm. Đừng để lòng tin và sự thiếu hiểu biết khiến mình vô tình trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo.
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường từ những cuộc điện thoại, trang mạng lạ câu nhử, đe dọa, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn pháp luật, can thiệp và bảo vệ kịp thời.\
Vnmedia