MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn giá hàng hóa tăng theo lương

Từ 1/7, cải cách tiền lương có hiệu lực, công chức, viên chức được tăng lương 30%, lương hưu tăng 15%. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã có phương án để ngăn tình trạng “té nước theo mưa”, không để giá hàng hóa tăng, làm mất ý nghĩa của việc tăng lương.

Việc cải cách tiền lương từ 1/7 nhằm đảm bảo đời sống người hưởng lương và gia đình của họ. Chỉ còn 10 ngày nữa đến thời hạn cải cách tiền lương , bên cạnh việc háo hức chờ tăng lương, người dân cũng lo ngại tình trạng lương chưa tăng, giá cả hàng hóa tăng theo.

Ngăn giá hàng hóa tăng theo lương- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng có nhiều giải pháp ngăn giá hàng hóa “té nước theo mưa” khi lương tăng. Trong ảnh, người dân mua hàng hóa tại chợ truyền thống ở Hà Nội

Chị Lê Thu Huyền làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, mức lương hằng tháng của chị khoảng 7 triệu đồng. Chị Huyền nhẩm tính, tăng lương 30% , chị Huyền sẽ nhận tổng thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng.

“Mức tăng lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng sẽ giúp tôi có chi phí học thêm cho các con. Tiền học thêm, bỉm sữa đến lương thực, thực phẩm tăng qua các năm. Tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp để tránh việc lương chưa tăng, giá hàng hóa đã tăng”, chị Huyền chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lý (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cả 2 vợ chồng đều sống nhờ vào lương hưu 5 triệu đồng/tháng/người. Bà Lý cho biết, ngoài chi phí ăn uống hằng ngày, do tuổi cao, khoản lương hưu của bà phải lo tiền thuốc thang cho bệnh tật tuổi già. Vì vậy, nghe tin lương hưu tăng khi cải cách tiền lương, bà Lý khấp khởi mừng.

“Vợ chồng tôi đều bị bệnh cao huyết áp, mỡ máu phải sử dụng thuốc hằng ngày. Ngoài số thuốc cơ bản nhận theo bảo hiểm y tế, rất nhiều loại thuốc phải mua bên ngoài với giá cao. Tiền thuốc cũng chiếm phần nhiều trong tiền lương hưu hằng tháng. Nếu tăng thêm lương hưu, chúng tôi sẽ có thêm chi phí mua loại thuốc tốt hơn”, bà Lý nói.

“Các bộ, ngành chủ động điều hành nhịp nhàng giá, phí mặt hàng dịch vụ Nhà nước quản lý như viện phí, học phí. Bên cạnh đó, chúng tôi có giải pháp thanh tra, kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hoá, chống đầu cơ , lũng đoạn, thao túng giá”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm lực lượng vũ trang) được tăng lương. Bên cạnh đó, có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ Quỹ bảo hiểm xã hội và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh tăng lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ -TB&XH) đề xuất tăng trợ cấp bảo hiểm xã hội 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng mỗi tháng); tăng chuẩn trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng mỗi tháng).

“Hằng năm, mức lạm phát khiến giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng, trong khi người hưởng lương hưu, trợ cấp chỉ có khoản duy nhất. Chúng tôi đề xuất mức tăng nhằm giúp đối tượng này bù đắp trượt giá hàng hóa, đảm bảo cuộc sống tối thiểu”, một cán bộ Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Chủ động kịch bản kiểm soát giá cả

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” xảy ra nhiều lần. Điều này khiến việc tăng lương không giúp thực chất cho đối tượng hưởng lương. Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp chủ động để tăng lương nhưng không tăng giá hàng hoá.

“Các bộ, ngành chủ động điều hành nhịp nhàng giá phí, mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý như viện phí, học phí. Bên cạnh đó, chúng tôi thanh tra, kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hoá, chống đầu cơ, lũng đoạn , thao túng giá”, Thứ trưởng Chi nói.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng là 4,03%. Theo bà Nhung, với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

“Chúng tôi theo sát giá hàng hóa trên thị trường, cảnh báo nguy cơ tác động mặt bằng giá trong nước và có biện pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường”, bà Nhung cho biết.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để ngăn việc “té nước theo mưa”, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, đảm bảo lưu thông giúp nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào.

Theo ông Phú, ở mỗi địa phương đều có đơn vị chức năng như quản lý thị trường, ban quản lý chợ. Các đơn vị này lắng nghe phản ánh và xử lý hiện tượng tăng giá, kiểm tra, xử lý sẽ ngăn chặn được việc người bán tăng giá bất hợp lý.

Cùng quan điểm, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách vừa ban hành như giảm thuế giá trị gia tăng nửa cuối năm 2024 sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá khi tăng lương.

Ông Thịnh phân tích, hiện nay, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, để giữ chân khách hàng, tiểu thương, doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ ổn định giá bán hàng hóa .

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên