MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Bản Việt lên kế hoạch tăng 44% lợi nhuận trong năm nay, vốn điều lệ tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng

20-04-2021 - 06:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Bản Việt lên kế hoạch tăng 44% lợi nhuận trong năm nay, vốn điều lệ tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản thêm 31% lên 80 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 20%; dư nợ cấp tín dụng tăng 20% trong năm 2021.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank - mã chứng khoán BVB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông, dự kiến tổ chức ngày 29/4 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ngân hàng cho biết, năm 2020 với việc phát sinh đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội, BVB cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng trong quý 1 và quý 2, tuy nhiên, với các biện pháp ứng phó rất linh hoạt, kịp thời của toàn hệ thống đã giúp cho BVB bước đầu vượt qua được khó khăn. Ngoài ra, năm 2020 cũng là năm cuối cùng BVB thực hiện chiến lược phát triển 2015 – 2020, với mô hình cơ cấu tổ chức đã được hoàn thiện, quy trình vận hành được hiệu quả và ngày càng tối ưu nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, điều này đã giúp BVB kết thúc năm tài chính 2020 với kết quả đáng khích lệ.

Đến 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 18%; Tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 47.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng khách hàng đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2019. Hoạt động bán lẻ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng với doanh thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu, tăng 58% so với năm 2019, trong đó thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 100%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 201 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2019.

Đặc biệt năm qua ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số và ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng, trong đó có việc trở thành ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm định danh tài khoản khách hàng điện tử (ekYC), đồng thời hợp tác với Timo để ra mắt ngân hàng số Timoplus. Những nỗ lực này đã giúp số lượng và giá trị giao dịch qua ngân hàng điện tử của BVB tăng gần 5 lần so với năm 2019, tổng số lượng khách hàng tăng gần 60%.

Về quản trị rủi ro, BVB là ngân hàng thứ 7 trong hệ thống hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước hạn và thuộc nhóm các ngân hàng đầu tiên triển khai dự án IFRS 9 (chuẩn mực tiên tiến trong báo cáo tài chính và hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro).

Một dấu ấn nữa là trong năm 2020 BVB đã chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán UpCOM theo đúng lộ trình. Ngân hàng cũng đã thực hiện tăng vốn thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng và ưu đãi cho cán bộ nhân viên, đang hoàn tất các thủ tục để ghi nhận mức vốn mới hơn 3.670 tỷ đồng.

Trên cơ sở nền tảng của năm 2020, BVB trình cổ đông kế hoạch 2021 với định hướng đẩy mạnh bán lẻ, tăng thu hồi nợ xấu, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa và tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động. Các chỉ tiêu kinh doanh hướng tới gồm tổng tài sản tăng 31% lên 80 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 20%; dư nợ cấp tín dụng tăng 20% và lợi nhuận trước thuế tăng 44% lên 290 tỷ đồng.

Năm nay và 2022, BVB tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.050 tỷ đồng qua 2 giai đoạn. Đầu tiên là Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ dự kiến 15% với tổng giá trị phát hành, qua đó tăng vốn thêm 550 tỷ đồng. Thứ hai là tăng vốn thêm 501 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 12%) và phát hành cổ phiếu ESOP. Nguồn tiền thu được sau tăng vốn ngân hàng sẽ dành 200 tỷ để đầu tư tài sản cố định phục vụ cho việc mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; 200 tỷ để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn; Phần còn lại sẽ bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng.

Hằng Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên