Ngân hàng bơm thêm gần 21.000 tỷ cho các chủ đầu tư bất động sản
Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tiếp tục mở rộng bất chấp việc tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế -0,75% trong 2 tháng đầu năm.
- 10-05-2024Vì sao các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại?
- 10-05-2024Nhân viên ngân hàng mua giấy tờ giả để mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản
- 10-05-2024NHNN sẽ xác minh tài sản, thu nhập của nhiều cán bộ ngân hàng
Trong báo cáo mới được công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 29/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở giảm từ 305.650 tỷ đồng vào cuối năm 2023 xuống còn 303.572 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng giảm từ 42.596 tỷ đồng xuống 42.367 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất tăng từ 77.033 tỷ đồng lên 78.349 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng giảm từ 43.570 tỷ đồng xuống 43.393 tỷ đồng; dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn tăng từ 59.581 tỷ đồng lên 60.502 tỷ đồng;
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê giảm từ 123.353 tỷ đồng xuống 121.274 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất tăng từ 75.509 tỷ đồng lên 79.873 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác tăng từ 365.669 tỷ đồng lên 384.343 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2 đạt 13.467.585 tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức thu hẹp gần 101.393 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, để quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản.