MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng chật vật xử lý nợ: Không xác định được vị trí xe để thu giữ, bên cầm cố chứng khoán để vay không chịu chuyển quyền sở hữu

29-11-2021 - 15:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng chật vật xử lý nợ: Không xác định được vị trí xe để thu giữ, bên cầm cố chứng khoán để vay không chịu chuyển quyền sở hữu

Không chỉ vướng mắc trong việc thu giữ tài sản bảo đảm mà khi rao bán nợ, rao bán tài sản thế chấp cũng khó khăn khi nhu cầu mua nợ sụt giảm, đối tác muốn mua thì có tâm lý chờ đợi giá rẻ hơn do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Chia sẻ tại một Hội thảo "Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14", đại diện ngân hàng BIDV cho biết có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh gây ảnh hưởng tới việc xử lý, thu hồi nợ thời gian qua.

Đầu tiên là khó khăn trong áp dụng cơ chế chính sách hoạt động xử lý nợ như nhận gán nợ tài sản bảo đảm (TSBĐ) là bất động sản. Cụ thể, tháng 1/2020, tổng cục quản lý đất đai có văn bản hướng dẫn việc sang tên bất động sản trong trường hợp TCTD nhận gán nợ TSBĐ thì theo đó TCTD chỉ được nhận gán nợ TSBĐ là BĐS khi sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ. Theo đại diện BIDV, nội dung này chưa phù hợp với Luật TCTD, theo đó TCTD được phép nhận gán nợ và nắm giữ bất động sản trong thời hạn 3 năm để xử lý thu hồi nợ.

Hay việc xử lý TSBĐ là chứng khoán cầm cố. Quy chế đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán được xây dựng theo hướng phải có sự đồng ý, chấp thuận của bên cầm cố, thế chấp, ký quỹ . Tuy nhiên khi khoản vay đã chuyển nợ xấu thì hầu hết bên bảo đảm đều không hợp tác với TCTD xử lý tài sản bảo đảm, gây rất nhiều khó khăn cho ngân hàng.

Tương tự, việc xử lý TSBĐ là phương tiện vận tải cũng gặp vướng mắc. Hiện nay TCTD khó xác định được vị trí tài sản đang thế chấp để có thể thu giữ trong trường hợp bên vay không trả nợ, cố tình chây ì, không hợp tác. Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn TCTD cùng các cơ quan chức năng trong việc xử lý tài sản này.

Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát thời gian qua đã để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, xã hội và ảnh hưởng còn có thể kéo dài những năm tiếp theo. Điều này cũng tác động xấu tới kế hoạch thu hồi nợ của các ngân hàng.

Kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng tới khả năng tài chính, từ đó giảm nhu cầu mua khoản nợ trên thị trường. Đối tác mua nợ cũng có tâm lý chờ đợi giá rẻ hơn nữa do dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

Quy định giãn cách, cách ly y tế cũng khiến cho việc quan sát, thực địa tài sản khó khăn hơn và các phiên đấu giá cũng ít người tham gia.

Thêm vào đó, dịch vụ công trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng bị ảnh hưởng khiến quá trình xử lý tài sản tạm ngưng, chẳng hạn như sang tên đất đai, sang tên phương tiện giao thông,…hay cơ quan thi hành án cũng có thời gian tạm dừng cưỡng chế, kê biên tài sản.

Tương tự, đại diện Vietcombank cũng nêu ra nhiều khó khăn trong việc bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Khi Nghị Quyết 42 ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm và tại VCB đã thu giữ được trên 20 khách hàng theo NQ, tuy nhiên mới chỉ thu giữ được với trường hợp đất trống, động sản. Còn với bất động sản mà trên đất có nhà, chủ tài sản đang sinh sống thì hiện tại ngân hàng chưa thể thực hiện theo đúng NQ 42 khi khách hàng chống đối, không hợp tác.

Đại diện Vietcombank cho biết, để xử lý hiệu quả, ngân hàng này chia ra các nhóm khách hàng để có biện pháp thu hồi nợ phù hợp.

Đối với khách hàng thiện chí, trong trường hợp bán đấu giá tài sản đảm bảo không thành, ngân hàng ưu tiên đàm phán với khách hàng để tăng tỷ lệ hạ giá ngay từ đầu và thực hiện đấu giá theo thủ tục rút gọn. Ngân hàng cũng xác định giá bán sát với thị trường để tránh phải hạ giá nhiều lần.

Với những khách hàng không thiện chí, ngân hàng sẽ áp dụng biện pháp thu đòi mạnh hoặc khởi kiện ra tòa án và yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản. Với biện pháp khởi kiện, ưu tiên hòa giải, có thể đàm phán cho khách hàng lịch trả nợ nhẹ nhàng hơn.

Đối với khách hàng chây ì trốn tránh, Vietcombank sẽ gửi hồ sơ lên cơ quan công an để hỗ trợ xử lý.

Thời gian gần đây, Vietcombank và BIDV cũng rao bán thêm nhiều khoản nợ giá trị lớn, hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Vietcombank chi nhánh TPHCM thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh và các phụ lục đính kèm ký giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam - PVGAS, Công ty Cổ phần địa ốc Phú Long và Tổng Công ty Tư Vấn Thiết Kế Dầu Khí – Công ty Cổ phần (PVE). Số tài sản này được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm hơn 419 tỷ đồng và được phân loại về dạng bất động sản.

BIDV thì vừa thông báo lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá khoản nợ của Công ty CP kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (Công ty Thủy sản Quốc Việt) tại chi nhánh Đất Mũi, Chi nhánh Cà Mau. Ngân hàng chào giá khởi điểm cho khoản nợ này tương đương với toàn bộ nợ gốc, lãi và phí tạm tính đến ngày 30/9/2021 là gần 873,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV vẫn đang tiếp tục rao bán nhiều khoản nợ lớn khác như Khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Thành Quang giá hơn 487 tỷ đồng, Khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga giá khởi điểm gần 290 tỷ đồng,...

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên