Ngân hàng “chạy đua” với Basel II
Kết quả tình hình kinh doanh năm 2017 và quý I/2018 của ngành ngân hàng cho thấy bức tranh khả quan về tốc độ tăng vốn cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về quản lý rủi ro. Điều này được đánh giá là sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng trong “cuộc đua” vươn lên tiêu chuẩn Basel II.
- 10-04-2018Bước tiến mới của BIDV trong việc áp dụng Basel II
- 04-04-2018Áp dụng Basel II, ngân hàng Việt sẽ hút vốn ngoại nhiều hơn nữa
- 13-03-2018Ngân hàng Việt nào đủ sức "nâng tạ" Basel 2?
Mục tiêu cần hướng tới
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có rủi ro điều chỉnh là 8%. Tuy nhiên, hiện toàn hệ thống có 9/118 tổ chức tín dụng (TCTD) âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có, hệ số CAR của toàn hệ thống đạt 12,3%. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng có hệ số CAR đã tiệm cận mức 9%. Vì thế, áp lực tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng tỷ lệ CAR theo Basel II đang rất lớn.
Báo cáo của HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, ngành ngân hàng năm 2018 có nhiều triển vọng với chất lượng tài sản và nguồn vốn ngày càng cải thiện, vận động cùng chiều với triển vọng tích cực của kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ thực thi nới lỏng linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, HĐQT MB nhận định, các ngân hàng cũng đứng trước một số thách thức lớn, trong số đó có áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR theo cách tính mới tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN của NHNN; các ngân hàng cũng cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nhất là công tác quản trị, kiểm soát rủi ro, hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn Basel II.
Vì thế, đại hội đồng cổ đông năm nay của các ngân hàng thương mại đều đặt mục tiêu tăng mạnh vốn điều lệ, thông qua nhiều phương án cùng những mục tiêu về nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, cùng với áp lực tăng vốn, các ngân hàng còn tích cực đổi mới hoạt động để việc tiến theo Basel II được thuận lợi. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã chủ động nghiên cứu nhằm đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai áp dụng chuẩn Basel II vào hoạt động quản trị rủi ro bao gồm: Rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Ngân hàng cũng hoàn thiện phương pháp đo lường và quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với hướng dẫn của NHNN.
Áp lực còn nhiều
Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức 8% nhằm mở đường cho việc áp dụng theo chuẩn Basel II (hệ số CAR theo Basel II là 8%). Mặc dù việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II cũng được NHNN tạo điều kiện bằng cách nới thời gian thực hiện đến năm 2020, nhưng để chuẩn bị cho lộ trình lên Basel II, các ngân hàng Việt Nam phải có định hướng dài lâu nhằm đảm bảo tính bền vững, tránh rủi ro không đáng có.
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, tỷ lệ CAR phân hóa khá rõ giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh. Theo đó, CAR của các ngân hàng tham gia thí điểm Basel II, gồm các ngân hàng TMCP: Á Châu (ACB), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Quân đội (MB), Kỹ thương (Techcombank), Quốc tế (VIB), và Hàng hải (Maritime Bank) luôn ở mức rất cao. Do vậy, các ngân hàng này có thể sẽ không gặp nhiều trở ngại đối với lộ trình trên. Ngược lại, CAR của Vietcombank xấp xỉ 10% và CAR của BIDV và VietinBank thấp hơn 10%, điều này khiến các ngân hàng quốc doanh sẽ phải chạy đua trong việc tăng vốn để có thể đáp ứng được lộ trình trên. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải dự kiến tăng vốn 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại để đáp ứng.
Hiện đối với Vietcombank, ngân hàng này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng vốn, với yêu cầu các bộ, ngành cân đối, bố trí nguồn vốn; lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tốt. Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN lại yêu cầu ngân hàng này từ nay đến năm 2020 phải xây dựng và triển khai quyết liệt lộ trình tăng vốn tự có, đảm bảo đến cuối năm 2020 có mức vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo chuẩn mực vốn Basel II (theo phương pháp chuẩn).
Trong khi với các ngân hàng thương mại cổ phần, mục tiêu lên Basel II không chỉ đáp ứng yêu cầu của NHNN mà còn đáp ứng yêu cầu của tự thân ngân hàng. HĐQT VPBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lên năm 2018 lên khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương tăng 77% so với cuối năm 2017, lên 27.799 tỷ đồng. Với kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT VPBank - Ngô Chí Dũng cho biết, hệ số CAR cuối năm nay của VPBank sẽ đạt khoảng 18%. Với mức CAR lớn như vậy, vị này cho biết, dù NHNN chưa yêu cầu phải đáp ứng theo Basel II nhưng tự bản thân VPBank muốn nâng chuẩn cao hơn bởi thời cơ hiện nay đang rất thuận lợi.
Như vậy, các ngân hàng đều đang gấp rút “chạy đua” để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, hướng đến hoạt động theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, dù thị trường và nền kinh tế thuận lợi nhưng các chuyên gia vẫn tỏ ra không ít lo ngại trước “bài toán” tăng vốn của ngành ngân hàng do nhiều TCTD chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Vì thế, một lộ trình cụ thể cùng những tính toán hợp lý sẽ cần đến sự điều hành linh hoạt của những ông chủ nhà băng.
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Basel II tập trung vào cách tiếp cận rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành. Basel II sử dụng khái niệm “three pillars” với 3 yêu cầu về: Vốn tối thiểu, rà soát giám sát, nguyên tắc thị trường. |