Ngân hàng cho vay mua sắm nhưng dân lại đem tiền đi mua nhà, Trung Quốc đang phải đối mặt với ‘quả bom nổ chậm‘ mang tên tín dụng tiêu dùng ra sao?
Ngân hàng cho vay mua sắm nhưng dân lại đem tiền đi mua nhà, Trung Quốc đang phải đối mặt với ‘quả bom nổ chậm‘ mang tên tín dụng tiêu dùng ra sao?
Trong nhiều năm, các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã khâm phục sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc. Các chính sách kích thích nền kinh tế, gia tăng tín dụng đã đem lại hiệu quả to lớn.
Để làm được điều đó, một trong những yếu tố góp phần khiến chính quyền Bắc Kinh mạnh tay cho vay là tỷ lệ nợ hộ gia đình thấp, qua đó giảm rủi ro đổ vỡ hệ thống tài chính cho nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đây đã khác khi điểm mạnh này của kinh tế Trung Quốc biến thành điểm yếu. Nhiều quan chức tài chính của Trung Quốc thời gian qua đã nêu lên những lo lắng về tình trạng vay vốn quá đà của các hộ gia đình. Số liệu chính thức cho thấy đến tháng 1/2018, tổng nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã đạt 910 tỷ Nhân dân tệ (143 tỷ USD), chiếm 1/3 tổng số nợ bằng đồng Nhân dân tệ của các ngân hàng phát sinh trong tháng đó.
Trong khi đó, số liệu của Trường đại học kinh tế tài chính Trung Quốc (SUFE) cho thấy tổng mức tín dụng hộ gia đình Trung Quốc đã tăng từ 44,8% GDP lên 53,2% GDP trong khoảng tháng 10/2017-1/2018, tương đương mức tăng 8 điểm phần trăm.
Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với mức tăng bình quân 3 điểm phần trăm mỗi năm trong khoảng 2009-2015. Đó là chưa kể mức tăng chỉ 5,5 điểm phần trăm vào năm 2009 khi ngành ngân hàng tăng cường cho vay để thúc đẩy kinh tế sau khủng hoảng 2008.
Tỷ lệ nợ cao đang là một trong những khó khăn kinh tế mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải giải quyết
Trước năm 2009, tỷ lệ nợ hộ gia đình thường xoay quanh khoảng 18% GDP trong vòng 5 năm. Nói cách khác, nợ hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần chỉ trong vòng 10 năm.
Bất chấp điều đó, chính quyền Bắc Kinh cho rằng việc gia tăng tỷ lệ tín dụng gia đình có nguyên nhân của nó. Chính phủ nước này đã khuyến khích người dân vay vốn để mua những sản phẩm như xe hơi hay bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường tiêu dùng cũng như đầu tư.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng động thái này khá nguy hiểm bởi giới trẻ Trung Quốc ngày nay thích chi tiêu hơn là tiết kiệm như các thế hệ trước, qua đó nhanh chóng gặp khủng hoảng tài chính cá nhân trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc vay vốn mua nhà quá nhiều đẩy giá thị trường bất động sản lên cao dù nhu cầu thực tế của Trung Quốc không nhiều đến vậy. Hệ quả là hàng loạt những thành phố ma ra đời, những khu nhà được xây mà chẳng ai đến ở. Thị trường bất động sản với dấu hiệu phình bong bóng có thể nổ bất cứ lúc nào đã khiến chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt cho vay bất động sản.
Trớ trêu thay, động thái này lại khiến người dân tìm đến các kênh vay vốn khác có mức lãi suất cao hơn để đầu cơ vào thị trường bất động sản nóng bỏng. Ví dụ như kênh vay vốn trực tuyến đang bùng nổ ở Trung Quốc thời gian gần đây đang ngày càng lan rộng bất chấp việc lãi suất kênh này cao hơn so với ngân hàng.
Siết chặt quản lý tín dụng cá nhân
Mặc dù tỷ lệ nợ tính theo GDP tại Trung Quốc đã giảm nhưng chúng vẫn cao hơn mức rủi ro tạo nên khủng hoảng ngành ngân hàng theo tiêu chuẩn của một số nước. Báo cáo của Ngân hàng trung ương Australia cho thấy tổng mức tín dụng tại Trung Quốc có thể đạt 260% GDP vào cuối năm 2018, cao gấp đôi so với cách đây 10 năm.
Tỷ lệ nợ theo %GDP của Trung Quốc ngoại trừ ngành tài chính
Trong số những khoản nợ, nợ tín dụng tiêu dùng cá nhân được cho là rủi ro nhất ở Trung Quốc khi nhiều khách hàng vay tiền để đầu tư bất động sản thay vì chi tiêu mua sắm như cam kết.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ tín dụng ngắn hạn cho tiêu dùng cá nhân đã được các ngân hàng Trung Quốc cho vay, nhiều gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Nhận thức được rủi ro tín dụng hộ gia đình, chính phủ một số địa phương như thủ đô Bắc Kinh, Thẩm Quyến và Giang Tô đã gia tăng thủ tục hồ sơ vay vốn nhằm ngăn chặn việc dòng tiền chảy bất hợp pháp sang thị trường bất động sản.
Thậm chí tỉnh Quảng Châu còn yêu cầu các khách hàng vay vốn tiêu dùng cá nhân xuất trình hóa đơn sau khi đã mua hàng.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhiều khoản vay vốn tiêu dùng có thời hạn tới 30 năm, qua đó khiến nhiều người lợi dụng để mua nhà thay vì mua sắm. Tình hình này đã khiến những nơi như Thẩm Quyến, một trong những thị trường bất động sản nóng nhất Trung Quốc, phải hạ thời gian đáo hạn thanh toán xuống tối đa 5 năm.
Hiện Trung Quốc đang khá dè chừng với tín dụng hộ gia đình bởi một khi chúng thoát khỏi tầm khống chế sẽ rất khó để khắc phục. Với đà tăng trưởng nợ hộ gia đình như hiện nay, hãng tin Bloomberg cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ mất 4-5 năm để thông số này đạt mức tương đương như nền kinh tế Mỹ trước khi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra.
Nguy hiểm hơn, ngay cả khi tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP chưa cao được như Mỹ trước khủng hoảng thì đà tăng trưởng này cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiềm ẩn. Để giới hạn tín dụng tiêu dùng, nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ tăng lãi suất, qua đó gián tiếp gia tăng gánh nặng nên những khoản nợ ngày một khổng lồ của người đi vay.
Nếu tình hình này xảy ra, những gia đình vay vốn mua bất động sản sẽ chịu thiệt lớn khi phải thanh toán lãi vay ngày một cao.
Thời Đại