Ngân hàng chủ động hỗ trợ SME tiếp cận vốn vay
Cùng với nỗ lực của Chính phủ, các ngân hàng đang chủ động vào cuộc để cùng tháo gỡ khó khăn về tài chính với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong cả nước, điển hình là sự lớn dần lên của Khối SME trong cơ cấu tổ chức của các nhà băng.
Khó về vốn - câu chuyện muôn thuở
Theo Tổng cục thống kê, cả nước hiện đang có khoảng hơn 500 ngàn doanh nghiệp SME, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp SME đóng góp khoảng 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động trên cả nước.
Tuy giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nhóm các doanh nghiệp SME luôn phải đối mặt với những khó khăn về vốn: thiếu vốn và rất chật vật trong việc tiếp cận tín dụng, phải trả chi phí vốn cao. Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã triển khai một số chương trình hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp SME như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng.
Cụ thể, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp SME vay vốn Ngân hàng Thương mại. Quyết định số 58/2013/QĐ- TTg (2013) về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp SME tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Gần đây nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP (2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… Trong 5 nhóm giải pháp quan trọng được đưa ra, giải pháp: hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đã có những chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Viện Quản trị Doanh nghiệp SME công bố đầu năm nay cho thấy, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp SME tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng. Con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thật sự của các doanh nghiệp SME.
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, vài năm trở lại đây, các ngân hàng đã chủ động nhập cuộc gỡ khó với doanh nghiệp với nhiều chính sách phù hợp với đặc thù của từng nhóm ngành cụ thể. Đó cũng là cửa mở cho nhiều ngân hàng đặt nền tảng phát triển khách hàng nhắm vào phân khúc này. Với việc tái cơ cấu tổ chức và phục vụ khách hàng theo từng phân khúc trọng tâm, nhiều ngân hàng đã có thời gian “thai nghén dài” cho sự ra đời riêng một đội ngũ này.
“Chúng tôi bắt đầu từ những bước đi chậm nhưng vững chắc cho sự ra đời hẳn Khối SME để cùng doanh nghiệp giải bài toán khó về vốn. Mục tiêu của OCB (Ngân hàng TMCP Phương Đông) là dành nhiều dịch vụ cho nhóm khách hàng này”, Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB chia sẻ.
Đôi bên cùng có lợi
Đặc thù chung của doanh nghiệp SME Việt là quy mô khá nhỏ, nhu cầu vay không “khủng” như các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên, các doanh nghiệp SME lại chiếm phần lớn trong tổng cơ cấu doanh nghiệp của cả nước. Vì vậy, gần đây, các ngân hàng như: OCB, VIB, VPBank… đã đưa nhóm các doanh nghiệp SME trở thành thị phần chiến lược. Nhờ vậy, con đường tiếp cận vốn tín dụng đã rộng cửa hơn đối với các doanh nghiệp SME.
Những điểm yếu khiến các doanh nghiệp SME khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng như: không có nhiều tài sản thế chấp, không chứng minh được tài chính… đều được ngân hàng chủ động gỡ khó. Điển hình như OCB, định vị là một ngân hàng dẫn đầu về bán lẻ và doanh nghiệp SME, đầu năm 2016, OCB đã thành lập khối SME, đến nay, sau 1 năm hoạt động, khối SME đã có hơn 4.000 khách hàng với tổng quy mô đạt hơn 3.000 tỷ và không phát sinh nợ xấu. Hiện nay, OCB đã triển khai thành công 28 Trung tâm SME trên toàn quốc và dự kiến con số này sẽ là 35 đến hết năm 2017.
Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân, linh hoạt về kỳ hạn vay, thời gian trả nợ cho khách hàng,… OCB liên tục cập nhật diễn biến thị trường, nắm bắt nhu cầu, đặc thù ngành nghề để “thiết kế may đo” những sản phẩm cho từng đối tượng doanh nghiệp ở nhiều hạng mục: cho vay, bảo lãnh, tài trợ thương mại, quản lý dòng tiền, dịch vụ thanh toán quốc tế…
Chia sẻ thêm về sự phát triển của khối SME, ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết: “Năm 2016, OCB đã triển khai thành công 2 sản phẩm mới là sản phẩm Tài trợ cho doanh nghiệp SME đảm bảo 100% bằng bất động sản và Cho vay mua xe ô tô. Năm 2017, Khối SME sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt sản phẩm chuyên biệt như: cho vay không có tài sản bảo đảm, tài trợ chuỗi... Dự kiến đến cuối năm 2017, khối sẽ tăng trưởng đến 7.500 tỷ, tăng trưởng 350% so với năm 2016, sẽ đóng góp quan trọng cho sự bứt phá của OCB trong năm nay”
Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đã mang lại nhiều thay đổi tích cực về chất lượng dịch vụ, đồng thời, các doanh nghiệp SME cũng đang được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi hoạt động của các ngân hàng.