MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng chuyển hướng cho vay

28-08-2018 - 07:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Không nới hạn mức tín dụng như các năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị kiên quyết xử lý đối với những ngân hàng vi phạm trần tăng trưởng tín dụng.

Hiện một số ngân hàng (NH) thương mại đã phải thay đổi chỉ tiêu lợi nhuận, chuyển hướng từ những lĩnh vực rủi ro, nhu cầu vốn lớn như bất động sản sang sản xuất - kinh doanh… khi hạn mức tín dụng đã đụng trần.

Đổi kế hoạch, giảm chỉ tiêu lợi nhuận

Sau khi đạt kế hoạch kinh doanh vượt trước lợi nhuận nửa năm, lãnh đạo một NH thương mại cổ phần tại TP HCM cho biết NH này chuẩn bị họp HĐQT để xin ý kiến tăng chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. Nhưng, kế hoạch chưa kịp thông qua đã phải hủy bỏ, trước yêu cầu không gia hạn hạn mức tăng trưởng tín dụng của Thống đốc NH Nhà nước.

Khác với những năm trước, năm nay NH Nhà nước đã kiên định không tăng hạn mức tín dụng cho một vài NH thương mại dịp cuối năm. Tại Chỉ thị 04 của thống đốc về những giải pháp trọng tâm ngành NH những tháng cuối năm, NH Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng, không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và không phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ…

Thực chất, yêu cầu này đã được thống đốc đưa ra từ đầu năm với Chỉ thị 01 và nay Chỉ thị 04 tiếp tục nhắc lại. Với một số NH đã cán mức tăng tín dụng cho phép trong nửa đầu năm, yêu cầu này sẽ khiến hoạt động cho vay gặp khó vào cuối năm, khi nhu cầu vốn tăng cao. Theo thống kê đến nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng bình quân của hệ thống NH khoảng 6,5%, thấp hơn cùng kỳ nhưng nhiều NH thương mại đã tăng trên 10% như Vietcombank, ACB, LienVietPostBank, HDBank, TPBank…

NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm nay, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm từ 1.800 tỉ đồng còn 1.200 tỉ đồng. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 giảm từ 123.500 tỉ đồng còn 117.557 tỉ đồng. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, huy động vốn và tỉ lệ chi trả cổ tức tối thiểu cũng giảm so với trước…

Theo ban lãnh đạo LienVietPostBank, việc điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ cho vay thị trường 1 nhằm tương ứng với hạn mức tín dụng được cấp trong năm nay. Khi kế hoạch NH xây dựng là tăng trưởng tín dụng 20% nhưng NH Nhà nước phê duyệt chỉ 14% dù huy động vốn của NH này tăng trưởng tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm, với tỉ trọng bán lẻ tăng từ 48% lên 56%. Nguồn vốn trung dài hạn của NH ổn định hơn nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận.

Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank trong nửa đầu năm đã đạt hơn 600 tỉ đồng nhưng ban lãnh đạo vẫn linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh, để phù hợp tình hình thực tế và định hướng lâu dài của NH.

Ngân hàng chuyển hướng cho vay - Ảnh 1.

LienVietPostBank vừa điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Ảnh: LINH ANH

Tăng thu dịch vụ, tập trung xử lý nợ xấu

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết ngay từ đầu năm, từng NH đã được định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trình đại hội cổ đông thông qua nên việc NH Nhà nước tiếp tục yêu cầu kiểm soát, không cho tăng thêm là dễ hiểu. Dù vậy, với nhu cầu vốn của thị trường đang tăng tốt, nhất là các lĩnh vực an toàn, vốn cho sản xuất - kinh doanh… mà nay không còn chỉ tiêu, NH cũng gặp khó. Bài toán chỉ tiêu lợi nhuận cả năm của một số NH sẽ phải tính lại.

"Bức tranh lợi nhuận của một vài NH các tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng chính sách tiền tệ có tác động lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cả áp lực từ tỉ giá nên tín dụng cũng được NH Nhà nước kiểm soát ở mức phù hợp" - ông Tâm nói.

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho rằng mỗi NH sẽ phải có phương án, kế hoạch kinh doanh phù hợp để ứng phó với diễn biến thị trường. Ngoài thu từ tín dụng, gần đây các NH đã đẩy mạnh thu từ dịch vụ, quan trọng nhất là tiết giảm chi phí hoạt động, giảm trích lập dự phòng rủi ro. Những NH nào thu hồi nợ xấu tốt sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần gia tăng lợi nhuận. Chẳng hạn, riêng HDBank trong 6 tháng đầu năm đã thu hồi hơn 1.000 tỉ đồng nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu của NH này chỉ 0,9%, tạo tiền đề cho việc bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

"Thông thường, nhu cầu vốn sẽ tập trung nhiều vào cuối năm nhưng đổi lại, các NH cũng phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Trong cơ cấu tín dụng hiện nay, hầu hết các NH đều tập trung vào cho vay ngắn hạn để quay vòng vốn nhanh. Nếu cho vay ngắn hạn tốt, thu nợ tốt thì các khoản vay đã giải ngân trong nửa đầu năm sẽ đem lại lợi nhuận vào cuối năm" - ông Trung phân tích.

Do đó theo các NH, trong những tháng còn lại của năm sẽ tập trung vào tái cơ cấu lại bộ máy, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển hướng vốn sang sản xuất - kinh doanh, thị trường ngách…

"Hiện chúng tôi đang tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Lãi suất cao hơn cho vay doanh nghiệp (DN) lớn nên hiệu quả cao, khoản vay lại nhỏ nên không tốn nhiều hạn mức tín dụng… Đây cũng là chủ trương của NH "lấy nông thôn nuôi thành thị" từ vài năm nay và rất hiệu quả, nhất là khi phân khúc này đi vào sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ đời sống nên được nhà nước khuyến khích" - ông Trần Ngọc Tâm dẫn chứng.

Giảm trông chờ vào lãi vay

Theo các chuyên gia, về lâu dài, cần khuyến khích DN quan tâm tới vốn đầu tư trung dài hạn bằng cách huy động từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu. Điều này giúp thị trường chứng khoán phát triển và tạo ra nguồn vốn ổn định cho DN. Đổi lại, bản thân DN muốn phát hành trái phiếu tốt cần phải hoạt động tốt, minh bạch các chế độ kế toán, kiểm toán… Khi đó, hệ thống NH cũng giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung nhiều hơn vào dịch vụ và không còn tình trạng NH chỉ trông chờ thu nhập chính từ lãi vay.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên