Ngân hàng đang có những bước đi “vô định”
Đường đã vạch rõ, nhưng có những thành viên chưa xác định được đích đến dự kiến năm nay...
- 03-07-2020Ngân hàng không thiếu vốn cho vay
- 03-07-2020Ngân hàng Việt phát triển thành công giải pháp nhận diện khuôn mặt khi giao dịch
- 02-07-2020Thống đốc Lê Minh Hưng: Duy trì niềm tin, nới “room” tín dụng cho loạt ngân hàng
Do yếu tố bất thường, đến thời điểm này mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 của các ngân hàng thương mại (NHTM) mới cơ bản định hình, khi đã nửa năm trôi qua.
Chưa rõ mục tiêu lợi nhuận
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, một điểm chung dễ nhận thấy, các nhà băng tỏ ra khá dè dặt trong việc đặt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Nguyên nhân chính được đưa ra là do những khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một điều đặc biệt, nhiều thành viên thậm chí còn chưa có kế hoạch lợi nhuận cho năm, mặc dù một nửa thời gian của năm tài chính 2020 đã đi qua và ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 cũng đã được tiến hành.
Xác định 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối cùng trong lộ trình thực hiện phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, cũng như năm cuối của hoạch định chiến lược 2016-2020, nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua, kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cho năm nay của VietinBank vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Dù vậy, ngân hàng vẫn đưa ra một số chỉ tiêu kế hoạch khác cho năm nay bao gồm dư nợ tín dụng tăng 4-8,5%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sự dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến 5-10%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 2%.
Trong khi đó, tại Vietcombank , ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, trong năm nay, ngân hàng sẽ hướng tới 4 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, bao gồm giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng; tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn; cơ cấu lại danh mục nguồn vốn; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, cung cấp các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới...
Tuy nhiên, cũng như VietinBank, dù một số chỉ tiêu cơ bản cho năm nay được đưa ra bao gồm tăng trưởng tổng tài sản 7%, dư nợ tín dụng tăng 10%, huy động vốn sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn (dự kiến tăng 8%), nhưng riêng con số lợi nhuận kế hoạch cụ thể vẫn chưa được Vietcombank công bố mà được giải thích là tùy thuộc định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, tại SCB, một loạt các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020 đã được thông qua bao gồm tổng tài sản tăng 12,19%, cho vay khách hàng dự kiến tăng 13%; huy động thị trường 1 tăng 13,3%; riêng mục tiêu lợi nhuận vẫn còn đang bỏ ngỏ...
Bước đi "vô định"?
Thông thường, trong hoạt động kinh doanh, mỗi bước đi của doanh nghiệp đều cần phải gắn với một mục tiêu xác định. Sau tất cả những tính toán, chiến lược, giải pháp và thực thi..., lợi nhuận chính là điểm hội tụ, thể hiện hiệu quả cân đối các chỉ tiêu khác cũng như là điểm đến quan trọng hàng đầu của toàn hệ thống trong một năm.
Nhưng năm nay, chỉ tiêu lợi nhuận lại đang “khuyết” trong kế hoạch kinh doanh của nhiều nhà băng.
Ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng chưa thể lên kế hoạch lợi nhuận do còn đang phụ thuộc vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế, vấn đề tăng vốn tại VietinBank đã được đặt ra từ nhiều năm trở lại đây, nổi bật hơn trong 2019 và năm nay khi phải tuân thủ lộ trình áp dụng Basel II từ đầu năm 2020.
Tuy nhiên, dư địa để tăng vốn điều lệ theo cách thông thường của VietinBank đã cạn kiệt. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã chạm sàn (64,46%) trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gần như là không thể do Nhà nước không có kế hoạch chi thêm ngân sách cho các ngân hàng thương mại.
Phương án giữ lại lợi nhuận bổ sung vốn cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt do còn liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách.
Để đảm bảo hệ số CAR cho tăng trưởng kinh doanh, bảo toàn thị phần, trong suốt mấy năm qua, VietinBank buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn, liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2 với chi phí cao hơn.
Đến đầu năm 2020, nút thắt về vốn tưởng như đã được gỡ khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngay trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank và VietinBank.
Dù vậy, nửa năm đã trôi qua, thông tin về "gói 10.000 tỷ đồng" tăng vốn nói trên cho tới hiện tại vẫn chưa xuất hiện cụ thể.
Tuy vậy, có một điểm được lưu ý rằng, dù không hoặc chưa tăng được vốn điều lệ, nhưng lượng lớn lợi nhuận VietinBank chưa trả cổ tức và chưa nộp về ngân sách vẫn đang tích lũy và nằm lại ở ngân hàng...
Còn tại Vietcombank, dù vấn đề tăng vốn đã được giải tỏa phần nào nhờ việc bán cổ phần cho đối tác ngoại, nhưng ngân hàng này cũng chưa thể lên kế hoạch lợi nhuận do còn chờ ý kiến của NHNN cũng như diễn biến của dịch bệnh. Điểm "vô định" tại đây không hẳn do chủ quan, trong khi Vietcombank vẫn chủ động liên tục gia tăng nguồn trích lập dự phòng, với tỷ lệ trích dự phòng bao phủ nợ xấu đã lên tới gần 180%...
Đối với SCB, lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện ngân hàng đang quá trình tái cơ cấu, nên mọi nguồn lực đều phải tập trung cho quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2. Lợi nhuận thu về phải tập trung trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Hiện SCB đang nắm giữ hơn 20.000 trái phiếu VAMC và đã trích dự phòng rủi ro lên đến trên 10.000 tỷ đồng cho trái phiếu này.
Như trên, việc chưa thế đưa ra kế hoạch lợi nhuận cho năm nay một phần là do ngân hàng đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. Cá biệt, một số NHTM hiện vẫn "vô định" các thông tin về định hướng hoạt động năm nay, hoặc vẫn không thể tổ chức ĐHĐCĐ như trường hợp Eximbank...
Theo giới chuyên gia, bên cạnh việc phải chờ sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền thì các tác động khó lường của Covid-19 đối với nền kinh tế cũng là một ẩn số lớn khiến các nhà băng gặp khó trong việc xác định hướng đi cho năm nay, cụ thể nhất ở điểm đến lợi nhuận.
Bởi ngân hàng là lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp bởi đại dịch nên sẽ có độ trễ. Khách hàng khi khó khăn, bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ, hấp thụ vốn kém, dẫn đến nguồn thu của nhà băng giảm.
Thực tế dư nợ tín dụng đến ngày 19/6 chỉ tăng 2,45%, là mức tăng thấp nhất cùng thời điểm kể từ năm 2016.
Trong khi đó, nợ xấu lại có nguy cơ tăng mạnh do khách hàng gặp khó khăn và ngân hàng thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng.
Theo đó, các NHTM phải thực hiện tăng trích lập dự phòng rủi ro để chuẩn bị cho việc nợ xấu tăng trong các quý sắp tới.
Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.
BizLive