Ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận 8 tháng: Hoàn thành 75% kế hoạch cả năm, sử dụng gần hết room tín dụng được giao
Ngân hàng này phấn đấu đến hết tháng 9 sẽ đạt 85% kế hoạch kinh doanh và kỳ vọng được NHNN nới room tín dụng.
- 17-09-2024Ngành Ngân hàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế
- 28-08-2024Thêm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ báo lãi nghìn tỷ, lợi nhuận tích lũy lên tới hơn 10.700 tỷ đồng
- 21-08-2024Nhiều kế hoạch chia cổ tức bị treo, kho lợi nhuận chưa phân phối của Vietcombank, BIDV và VietinBank lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng
Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS Research) mới đây đã có báo cáo cập nhật về Chương trình gặp gỡ nhà đầu tư quý 3/2024 của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).
Lợi nhuận 8 tháng đạt gần 3.000 tỷ đồng
Nam A Bank cho biết đến hết tháng 8, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt 2.981 tỷ đồng, thực hiện 75% kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng phấn đấu đến hết tháng 9 sẽ đạt 85% kế hoạch kinh doanh (khoảng 3.400 tỷ đồng lợi nhuận), theo ghi nhận từ VPBankS.
Trước đó, lợi nhuận nửa đầu năm của Nam A Bank ở mức 2.217 tỷ đồng, tăng 45% và thực hiện 55% kế hoạch. Theo ban lãnh đạo ngân hàng, nếu loại trừ ảnh hưởng của CIC (196 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng), lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 2.422 tỷ đồng.
Cập nhật đến hết tháng 8, đại diện Nam A Bank tiết lộ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hiện ở mức 14%, tương ứng đã sử dụng 85% room được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao và kỳ vọng sẽ được nới thêm.
Trong đó, những ngành nghề tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian qua là nông sản, thủy sản và chè. Nam A Bank cho biết đã đăng ký 5.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp, với 4.500 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản và kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Ngân hàng định hướng tăng trưởng bám sát vào chuỗi giá trị ngành thủy sản, cao su, chè cà phê, cho vay giáo dịch (thanh toán không dùng tiền mặt cho 500 trường học), y tế và cho vay chuyển đổi từ xe xăng qua xe điện. Đại diện Nam A Bank cho biết dư nợ cho vay theo chuỗi giá trị không có nợ xấu, nợ nhóm 2.
Do tăng trưởng tín dụng cao mà tốc độ tăng trưởng huy động chậm hơn nên tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của NamABank tăng từ 71,6% ở Q2/2023 lên 76,1% ở Q2/2024, dưới trần 85%.
Ngoài ra, biên lãi thuần (NIM) của Nam A Bank tăng thêm 20 điểm cơ bản (bps) so với cuối quý II, lên 3,81%. Trước đó, vào cuối tháng 6/2024, NIM cũng đã cải thiện 30 bps so với cùng kỳ trong bối cảnh chi phí vốn giảm sâu.Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 11,06% do đã xử lý được nợ VAMC và tăng vốn.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 8 đã tăng 0,14 điểm % so với cuối quý II, lên 2,71%. Lãnh đạo Nam A Bank cho biết sẽ cố gắng đưa tỷ lệ bao phủ từ mức 47,2% cuối quý II lên 60 - 65% vào cuối năm nay nhờ sử dụng lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch để tăng dự phòng.
Hết 8 tháng đầu năm 2024, CAR của Nam A Bank đang ở mức 11,06% và liên tục tăng trưởng so với cùng kỳ do đã xử lý được nợ VAMC và giữ được vốn từ lợi nhuận giữ lại.
Sẽ công bố kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược trong năm 2025
Về triển vọng tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo Nam A Bank chia sẻ rằng ngân hàng sẽ ưu tiên tăng vốn bằng chính lợi nhuận giữ lại, với mục tiêu tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang hướng tới thu hút nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến năm 2025 sẽ đưa ra kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược để tăng vốn.
Đối với triển vọng kinh doanh, Nam A Bank kỳ vọng NIM sẽ ở mức 3,5 đến 3,8% trong năm 2024 do bối cảnh áp lực lên NIM đã quay trở lại. VPBankS dự phóng NIM của ngân hàng sẽ ở mức 3,6%.
Trong khi đó, tỷ lệ chi phí trên trên thu nhập (CIR) của Nam A Bank vẫn cần duy trì quanh mức 40% để duy trì tăng trưởng. Lãnh đạo Nam A Bank cho biết với ngân hàng đang mở rộng nhanh, mức CIR lý tưởng là từ 38 đến 40%, với 50 - 55% chi phí nhân sự.
Ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhân viên để phục vụ cho tăng trưởng nên sẽ không tiết giảm chi phí nhân sự. Ngoài ra, các chi phí như chuyển đổi số, chi phí đầu tư ban đầu cũng sẽ lớn, nhưng kỳ vọng sẽ hỗ trợ đưa CIR đi xuống trong tương lai.
Lãnh đạo Nam A Bank cũng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 2,5% trong năm 2024. Dự kiến ngân hàng sẽ sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro.
Nhịp sống Thị trường