Ngân hàng dè dặt trích lập dự phòng khiến xử lý nợ xấu chậm trễ
Trong khi hầu hết các ngân hàng lớn sẽ hoàn thành quá trình trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC vào năm 2018, tiến độ dự phòng của các ngân hàng nhỏ lại chậm hơn.
- 15-05-2017Giải trình nhiều vấn đề lớn về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu
- 14-05-2017“Hy vọng vào cơ hội dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu”
- 13-05-2017Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu chuẩn bị trình Quốc hội
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được trình lên Quốc hội tại kỳ họp diễn ra từ ngày 22/5 tới. Nghị quyết này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hình thành thị trường nợ xấu thứ cấp sau nhiều trở ngại trong việc đưa ra các quy định, chính sách để tạo lập thị trường này.
Được biết, dự thảo Nghị quyết bao gồm 18 điều khoản, sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm bắt đầu từ ngày 01/07/2017. Dự thảo Nghị quyết mới sẽ tác động đến toàn bộ nợ xấu hiện có cũng như nợ xấu mới phát sinh trong giai đoạn có hiệu lực của Nghị quyết. Một số nội dung chính của Nghị quyết sẽ được thảo luận bao gồm:
Thứ nhất, các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Thứ hai, cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (bằng giá trị sổ sách) sang mua theo giá trị thị trường. Thứ ba, cho phép các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức hoặc cá nhân.
Dù vậy, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), trở ngại chính đối với việc bán lại nợ xấu vẫn là thực trạng trích lập dự phòng thiếu quyết liệt từ phía các ngân hàng.
Trong khi hầu hết các ngân hàng lớn sẽ hoàn thành quá trình trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC vào năm 2018, tiến độ dự phòng của các ngân hàng nhỏ lại chậm hơn. Do đó, mặc dù có thể thị trường nợ thứ cấp nhiều khả năng sẽ được thiết lập trong khoảng nửa cuối năm nay, vẫn sẽ cần thêm thời gian để thị trường này thực sự vận hành.
Nghị quyết tập trung vào xây dựng khung cho thị trường mua bán nợ thứ cấp, là vấn đề đã được thảo luận từ những ngày đầu thành lập VAMC nhưng không có nhiều tiến triển sau đó.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên hoàn thành trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC trong năm 2016.
HSC cho rằng Nghị quyết mới sẽ giúp đẩy nhanh việc mua bán nợ thứ cấp, tuy nhiên, giao dịch thứ cấp chỉ có thể diễn ra khi các ngân hàng đã hạch toán nợ xấu theo giá trị ước tính trên thị trường thứ cấp. Động thái chính trong việc xử lý nợ xấu vẫn là tốc độ trích lập dự phòng của các ngân hàng. Bởi dù hạch toán nội bảng trên báo cáo tài chính của các ngân hàng, hay trên danh nghĩa đã hoán đổi cho VAMC, các khoản nợ xấu vẫn thuộc sở hữu của các ngân hàng.
Trên thực tế, các ngân hàng đã trích lập khá nghiêm túc cho những khoản nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trên danh nghĩa đã bán cho VAMC và hoán đổi thành trái phiếu đặc biệt VAMC (được trích lập 20% giá trị sổ sách mỗi năm trong 5 năm). Trong năm 2016, ước tính tổng dự phòng của 8 ngân hàng đã niêm yết (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, SHB, Sacombank, Eximbank, MBBank, ACB) là khoảng 27.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2015, tương đương khoảng 1% tổng dự nợ.
Vietcombank là ngân hàng duy nhất đã hoàn thành trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC trong năm 2016. Trong khi đó, MBBank có thể là ngân hàng thứ hai khi dự kiến sẽ hoàn tất dự phòng trong năm nay. Trước đó ngân hàng này đặt kế hoạch đến 6 tháng đầu năm 2018 sẽ hoàn thành xử lý trái phiếu VAMC.
Tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng được quyết định bởi tăng trưởng của lợi nhuận hoạt động. Năm ngoái, lợi nhuận hoạt động trước trích lập dự phòng của 8 ngân hàng niêm yết đã tăng trưởng 11,8%, đạt 59,26 nghìn tỷ đồng và chi phí trích lập dự phòng chiếm tới 45,6%.
Tuy nhiên, một số ngân hàng nhỏ chưa niêm yết vẫn gặp khó khăn trong việc trích lập dự phòng. Lợi nhuận của các ngân hàng này mỏng hơn nên gặp khó khăn trong việc duy trì trích lập dự phòng. Để giải quyết tình trạng này, các ngân hàng chỉ có thể tăng thêm vốn mới.
Infonet