Ngân hàng đề nghị giảm cước tin nhắn, nhà mạng nói sẽ thu theo phương án trọn gói
Ngày 25/2, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến về đề nghị giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các khách hàng, ngân hàng và các nhà mạng viễn thông.
- 21-02-2022Thu phí cao từ tin nhắn, Vietcombank phải trả bao nhiều tiền cước cho các nhà mạng?
- 21-02-2022Tin nhắn ngân hàng là cần thiết, nhưng phải bàn lại về phí
- 19-02-2022Dân mạng "than trời" khi cước tin nhắn SMS Banking tăng chóng mặt: Ngân hàng Vietcombank lí giải ra sao?
Tham cuộc họp có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone; đại diện lãnh đạo của các tổ chức tín dụng (TCTD) và các đơn vị trong Hiệp hội Ngân hàng.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng đã chia sẻ, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng (SMS brandname) lại đang diễn ra phổ biến, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng. Các ngân hàng đã phải dành một khoản chi phí lớn để truyền thông cảnh báo giúp khách hàng nhận diện và phòng tránh những rủi ro liên quan đến các đối tượng lừa đảo qua hình thức tin nhắn.
Để bù đắp chi phí cũng như giúp khách hàng tránh được những rủi ro lừa đảo qua SMS brandname, các TCTD cho biết, đã và đang khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng các tiện ích của ngân hàng số và sử dụng xác thực giao dịch thông qua Smart OTP.
Từ những vấn đề nêu trên, đại diện các ngân hàng đề nghị các nhà mạng xem xét thu mức phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp viễn thông, các TCTD và của chính khách hàng. Cùng đó, việc giảm phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cũng góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Đối với tin nhắn giả mạo SMS brandname, các TCTD đề nghị các nhà mạng tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn, bảo mật hơn nữa. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp chặt chẽ hơn để bịt các lỗ hổng và kẽ hở bảo mật, nơi các đối tượng tội phạm lợi dụng tấn công.
Ghi nhận những ý kiến từ các TCTD, đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều bày tỏ đồng cảm và chia sẻ đối với những khó khăn của các TCTD, vì đây cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp viễn thông đang gặp phải.
Nhằm chia sẻ khó khăn và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp viễn thông đề xuất: "thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo phương án trọn gói, các doanh nghiệp viễn thông cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ".
Đối với tình trạng SMS brandname, các doanh nghiệp viễn thông cho biết, tình trạng này không xuất phát từ hệ thống của nhà mạng mà do các đối tượng tội phạm sử dụng các trạm di động ảo để chèn sóng. Hiện tại các nhà mạng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hoạt động truy tìm các đối tượng tội phạm này. Vừa qua, cơ quan công an cũng đã vào cuộc và đã bắt được một số đối tượng lừa đảo này. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để xử lý vấn nạn này.
Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để được tình trạng tin nhắn lừa đảo SMS brandname, nhà mạng viễn thông cho rằng: "chỉ khi nào loại bỏ điện thoại sử dụng sóng 2G thì tình trạng lừa đảo này mới có thể chấm dứt".
Tại cuộc họp này, các nhà mạng viễn thông và ngân hàng đã thống nhất giải pháp "thu phí trọn gói" là khả thi, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích của các TCTD và của chính các nhà mạng.