MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 12 tỷ cổ phiếu trong năm nay

01-06-2022 - 16:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 12 tỷ cổ phiếu trong năm nay

Những ngân hàng dự kiến phát hành nhiều cổ phiếu nhất gồm có: VPBank (gần 3,428 tỷ cp), SHB (978,4 triệu cp), Vietcombank (856,6 triệu cp), MB (820,6 triệu cp), ACB (675 triệu cp),…

Thống kê từ các đợt phát hành trong năm 2021 cho thấy, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường hơn 12 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm. So với cuối năm 2020, lượng cổ phiếu ngân hàng lưu hành đã tăng thêm gần 33%.

Nối dài xu hướng trên, các nhà băng tiếp tục lên kế hoạch phát hành một lượng lớn cổ phiếu trong năm 2022. Theo số liệu được người viết tổng hợp, các ngân hàng đang niêm yết và giao dịch trên UPCoM có kế hoạch phát hành thêm hơn 12,2 tỷ cổ phiếu trong năm nay thông qua chia cổ tức, thưởng, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP.

Những ngân hàng dự kiến phát hành nhiều cổ phiếu nhất gồm có: VPBank phát hành gần 3,428 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức 50% và chào bán riêng lẻ 15% vốn cho nhà đầu nước ngoài; SHB phát hành hơn 978,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 15%, chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20% và chào bán 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP; Vietcombank phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020 theo tỷ lệ 18,1%; MB phát hành phát hành 820,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 20% và chào bán riêng lẻ; ACB phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25%;…

Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 12 tỷ cổ phiếu trong năm nay - Ảnh 1.

Tính đến hiện tại, chỉ có 4 trong số 27 ngân hàng trên sàn chưa có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu là Sacombank, Saigonbank, PG Bank và NCB. Trong đó, Sacombank chưa thể chia cổ tức và chào bán cổ phần do vẫn trong quá trình cơ cấu. Saigonbank và PG Bank cũng đều có những vấn đề riêng nên không thực hiện phát hành mới, còn NCB chưa công bố thông tin.

Bên cạnh đó, Techcombank cũng chỉ phát hành thêm 6,3 triệu cổ phiếu cho nhân viên theo chương trình ESOP, tương đương hơn 0,18% số cổ phần đang lưu hành.

Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 12 tỷ cổ phiếu trong năm nay - Ảnh 2.

Lo ngại dư cung cổ phiếu ngân hàng

Hầu hết ngân hàng đều đẩy mạnh phát hành cổ phiếu trong năm nay do yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.

Ngay từ đầu năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong năm 2021, cơ quan này cũng đã ra chỉ thị tương tự buộc các ngân hàng phải chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu cũng xuất phát từ nhu cầu tăng vốn luôn thường trực tại nhiều ngân hàng. Đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV tiếp tục đề xuất tăng thêm vốn dù ngân hàng này vừa mới thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và đang dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ.

Theo ông Tú, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Tú viện dẫn số liệu của World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – hiện đang áp dụng Thông tư 22.

Với BIDV, mặc dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song theo hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel II, Basel III khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.

"Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…", ông Phan Đức Tú nói.

Trong báo cáo mới công bố, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV và nhóm cộng sự cũng đánh giá, việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu sẽ tiếp tục được các tổ chức tín dụng chú trọng trong năm 2022.

Bởi, năm nay NHNN tiếp tục chỉ thị các tổ chức tín dụng không chi cổ tức bằng tiền mặt để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, và tiếp tục tăng vốn. Việc tăng vốn cũng là nhu cầu hiện hữu của các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) ở mức khá cao (14-15%). Tuy nhiên, mức độ tăng vốn sẽ ít hơn năm 2021, do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh, chịu nhiều rủi ro hơn và khả năng giảm điểm là cao.

Để tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng vốn vừa đảm bảo an toàn, vừa tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, nhất là giai đoạn phục hồi, nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các tổ chức tín dụng; cho phép các tổ chức tín dụng giữ lại cổ tức; cho phép phát hành ESOP để vừa tăng vốn, vừa tăng gắn kết của nhân viên… Đồng thời, xây dựng cơ chế lâu dài về biện pháp tăng vốn cho các tổ chức tín dụng nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng khả năng huy động.

Ở phương diện khác, không ít chuyên gia lo ngại việc phát hành thêm một lượng lớn cổ phiếu sẽ gây ra áp lực giảm giá, đặc biệt khi thị trường chung diễn biến không mấy thuận lợi trong thời gian gần đây.

''Trong những năm qua, các ngân hàng đã phải phát hành không ít cổ phiếu để tăng vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn của cơ quan điều hành. Với lượng cổ phiếu lưu hành đã tăng lên đáng kể, khi dòng tiền rời đi, thị trường giảm thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thuộc diện dễ bị ảnh hưởng nhất.'', Chuyên gia Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty AzFin đánh giá.

https://cafef.vn/ngan-hang-du-kien-phat-hanh-hon-12-ty-co-phieu-trong-nam-nay-20220601155246766.chn

Quang Hưng

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên