Ngân hàng đua nhau tăng vốn
Vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Á Châu sẽ vượt qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 trong toàn hệ thống ngân hàng.
- 25-04-2024ĐHĐCĐ SAIGONBANK: Sẽ ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ
- 24-04-2024Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp
- 23-04-2024ĐHCĐ MSB: Đặt mục tiêu lợi nhuận 6.800 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 30% để tăng vốn
Tuần này, có 41 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 35 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 4 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 công ty chia cổ tức quỹ, 1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp.
ACB vượt Agribank
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - mã chứng khoán: SSB) đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 24.957 tỷ đồng, thông qua đợt phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP năm 2023 cho hơn 2.000 cán bộ nhân viên.
Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh mức vốn điều lệ trên giấy phép hoạt động của SeABank từ 24.537 tỷ đồng lên 24.957 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được đại hội cổ đông thường niên 2024 thông qua, trong năm nay SeABank dự kiến tiếp tục tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng theo các phương thức như phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 14%, phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024, chào bán cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.
Tương tự, PGBank (mã chứng khoán: PGB) cũng tăng vốn điều lệ sau khi phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng. Lần cuối PGBank tiến hành tăng vốn điều lệ là vào năm 2012 khi thực hiện việc phát hành 64 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã chứng khoán: ACB) vừa công bố cáo báo kết quả phát hành gần 583 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ cổ phiếu lên 4,447 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ tăng lên mức 44.667 tỷ đồng.
Như vậy, vốn điều lệ của ACB vượt qua Agribank (40.963 tỷ đồng), trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, chỉ đứng sau VPBank , BIDV, Vietcombank, VietinBank và MBBank.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông ACB cũng sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6. Tổng số tiền ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.
Ông chủ Rạng Đông Holding thoái vốn
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Rạng Đông Holding (mã chứng khoán: RDP) - thông báo sẽ tiếp tục bán hơn 5,1 triệu cổ phiếu RDP (tương đương 10,42% vốn điều lệ công ty) nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian dự kiến bán là từ ngày 12/6-11/7.
Nếu giao dịch thành công, ông Lam sẽ giảm sở hữu về 7,7 triệu cổ phần RDP, tương ứng 15,87% vốn điều lệ. Ước tính, ông Lam sẽ thu về 25 tỷ đồng nếu bán thành công. Đây là đợt thoái lượng cổ phiếu lớn nhất của Chủ tịch RDP từ đầu năm 2024, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 45,04% xuống còn 15,87%.
Trên thực tế, ông Lam đã giảm đáng kể cổ phần nắm giữ tại RDP từ năm 2020. Khi đó, ông Lam nắm lượng cổ phần tương đương 64,15% vốn điều lệ Rạng Đông Holding nhưng chỉ 1 năm sau đã giảm xuống còn 51,14% vốn.
Ông Lam là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Rạng Đông Holding từ năm 2005. Năm 2015, ông Lam trở thành cổ đông chi phối RDP với tỷ lệ sở hữu 64,74% vốn điều lệ.
Hàng loạt lãnh đạo Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon - mã chứng khoán: LSG) đăng ký mua vào 12,5 triệu cổ phiếu LSG, tương ứng 13,89% vốn điều lệ tại Land Saigon.
Cụ thể, ông Bùi Hữu Tài - thư ký công ty kiêm người phụ trách quản trị - đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu LSG để nâng sở hữu lên 4.047.900 cổ phần (tương đương 4,5% vốn điều lệ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 5/6-4/7.
Cũng trong khoảng thời gian trên, bà Trần Thị Minh Tâm - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LSG - đăng ký mua thêm 4,3 triệu cổ phiếu LSG , nâng sở hữu lên 4,78% vốn điều lệ.
Ông Trần Thành Nhơn - kế toán trưởng kiêm Giám đốc Tài chính kế toán LSG - đăng ký mua 4,2 triệu cổ phiếu LSG để nâng sở hữu từ 7.400 cổ phần lên 4.207.400 cổ phần (tương ứng 4,67% vốn điều lệ). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/6-7/7.
Trả cổ tức "khủng"
Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) thông báo, ngày 13/6 sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%, nghĩa là cổ đông sở hữu mỗi cổ phần sẽ được nhận 1.000 đồng. Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến FPT sẽ chi khoảng 1.300 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Ngày 13/6 cũng là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, FPT sẽ phát hành thêm gần 191 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20:3, có nghĩa cổ đông sở hữu 20 cổ phần sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới.
Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận (mã chứng khoán: NTT) thông báo 11/6 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 47%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 10/6 và thời gian thanh toán dự kiến là vào ngày 11/7 tới. Cấp nước Ninh Thuận dự kiến phải chi 45 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Ngày 11/6 tới, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service - mã chứng khoán: SCS) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Với gần 95 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SCS cần chi khoảng 285 tỷ đồng để hoàn tất thanh toán cho cổ đông.
Vào ngày 12/6 tới, Công ty CP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%. Với hơn 130 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DHG sẽ phải chi hơn 520 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là vào ngày 26/6.
Trước đó, Dược Hậu Giang thông qua việc trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 75%. Như vậy, doanh nghiệp này còn một đợt chi trả cổ tức với tỷ lệ 35%.
Tiền phong