Ngân hàng giải quyết nhu cầu tài chính của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Đứng trước bài toán về vốn, hay dòng tiền lưu động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam, ngành ngân hàng đã tìm ra những lời giải hợp lý.
Trong đó, việc chú trọng phát triển giải pháp tài trợ thương mại toàn diện được đặt lên hàng đầu, bao gồm hỗ trợ về vốn, phí cạnh tranh, tư vấn và hỗ trợ sâu sát khi làm thủ tục.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu lớn nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Trong nội bộ, phần lớn các doanh nghiệp đều nhận định khó khăn trong nguồn vốn lưu động là hạn chế lớn nhất cho việc phát triển, mở rộng quy mô hay thâm nhập vào nhiều thị trường khác nhau.
Tuy nhiên, chính những khó khăn này sẽ gợi mở cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nhìn nhận vấn đề và nắm bắt cơ hội bằng cách đa dạng hóa đối tác thương mại, cải thiện "sức khỏe tài chính" doanh nghiệp, và củng cố vững chắc quy trình quản trị rủi ro.
Khi thực hiện thành công những điều trên, doanh nghiệp không chỉ vượt qua những thách thức, biến động mà còn tạo đà để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, khẳng định tên tuổi trên thị trường xuất-nhập khẩu trong và ngoài nước.
Nắm bắt được bài toán doanh nghiệp về vốn vay do lãi suất ngày càng tăng và hạn chế tín dụng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã xây dựng "lời giải" là bộ sản phẩm tài trợ thương mại chuyên biệt đáp ứng nhu cầu về vốn, giảm nhẹ thủ tục hành chính, từ đó tiếp sức cho chặng đường chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tài trợ xuất khẩu trước giao hàng để giải bài toán về vốn
Qua kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu, SeABank nhận thấy nhu cầu bổ sung vốn lưu động của doanh nghiệp sau khi có hợp đồng xuất khẩu với bên mua là vô cùng lớn do có rất nhiều chi phí khác nhau để thực hiện hợp đồng (thu mua hàng hóa & nguyên vật liệu, hay sản xuất, gia công, vận chuyển,...). Để đáp ứng nhu cầu về vốn này, SeABank xây dựng giải pháp tài trợ xuất khẩu trước giao hàng với nhiều lợi ích, tỷ lệ tài trợ cao, chính sách tài sản bảo đảm linh hoạt và quy trình đơn giản.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tài trợ ngay từ khi có hợp đồng xuất khẩu với tất cả các phương thức thanh toán L/C, D/P, D/A, T/T. Ngân hàng cũng cung cấp đa dạng hình thức tài trợ bao gồm: cho vay, phát hành bảo lãnh, phát hành L/C và chiết khấu bộ chứng từ. Trong đó, thời gian tài trợ cho phép lên đến 270 ngày . Bên cạnh đó, SeABank chấp nhận đa dạng các loại hình tài sản đảm bảo bao gồm cả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai với tỷ lệ cấp tín dụng cao lên đến 80% , đi kèm với miễn phí dịch vụ tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện bộ chứng từ. Và ngay cả khi đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục được SeABank tài trợ nhằm đáp ứng nhu cầu ứng trước tiền hàng và các nhu cầu về vốn khác, từ đó đảm bảo được nguồn vốn kinh doanh và cải thiện được dòng tiền.
L/C UPAS - Giải pháp tài chính tối ưu với doanh nghiệp nhập khẩu
Trong công cuộc đàm phán muôn thuở giữa bên xuất và nhập, nhà nhập khẩu luôn mong muốn kéo dài thời gian thanh toán trong khi nhà xuất khẩu lại muốn nhận được tiền ngay. Nắm bắt được sự khác nhau về nhu cầu của hai bên, SeABank đã thiết kế sản phẩm L/C UPAS với khả năng làm cầu nối, trung hòa lợi ích, thỏa mãn được nhu cầu của cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu.
Có thể hiểu, L/C UPAS là phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trả chậm nhưng người bán có thể nhận được tiền thanh toán ngay thông qua cam kết từ phía ngân hàng phát hành L/C, trong khi thời gian trả chậm lên đến 360 ngày.
Việc sử dụng dịch vụ L/C UPAS giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với vay vốn để thanh toán thông thường, đồng thời, giúp doanh nghiệp tránh rủi ro trong giao dịch, linh hoạt thời gian quay vòng vốn và được hưởng đa dạng ưu đãi.
Với gói giải pháp toàn diện nêu trên, SeABank đem đến dịch vụ chuyên biệt cho mọi nhu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp đảm bảo được hoạt động kinh doanh để tạo đà mở rộng quy mô, phát triển ra nhiều thị trường quốc tế.
Tổ quốc