MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng khóc ròng nhìn hàng trăm tài sản đảm bảo phơi sương mà…không làm gì được

07-12-2016 - 09:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Có những bản án có hiệu lực từ cách đây 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong, chưa thu hồi được nợ. Có những tài sản đã bán đấu giá thành công từ vài năm trước nhưng đến nay cũng chưa thể sang được tên cho người trúng giá...

Tham luận tại Hội thảo về Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng tổ chức tại trụ sở của Ngân hàng Nhà nước ngày 6/12, ông Thiệu Ánh Dương, Tổng giám đốc AMC ngân hàng Techcombank cho biết, hiện nay công tác xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, trong đó có nguyên nhân khó khăn từ hoạt động thu giữ tài sản đảm bảo để thu nợ.

Thủ tục kiện tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài

Khó khăn đầu tiên, theo ông Dương, là việc xử lý nợ bị chậm hoặc bị trì hoãn do thủ tục kiện tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài.

Thực tế cho thấy, một vụ việc từ khi khởi kiện đến khi thi hành án xong sẽ kéo dài nhiều năm vì hệ thống tòa án, thi hành án ở Việt Nam đang bị quá tải về nguồn lực, thời gian, thủ tục (vấn đề này trong nhiều hội thảo của các TCTD về xử lý nợ xấu đã nêu ra). Đa số các khoản nợ để thu hồi được bằng con đường tòa án và thi hành án thường kéo dài trên 2 năm, và không mang lại hiệu ứng tốt.

Ông Dương cho biết, có nhiều vụ án, Techcombank đã theo kiện từ những năm 2012, 2013, 2014, qua hết các phiên sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí đã có Quyết định giám đốc thẩm … nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa kết thúc. Tại Techcombank tồn tại không ít các Khoản nợ đã có Bản án có hiệu lực thi hành từ những năm 2012, 2013, 2014 nhưng đến thời điểm này việc thi hành án vẫn chưa thực hiện xong và nợ vẫn chưa được thu hồi.

Do tính phức tạp và kéo dài của thủ tục khởi kiện và thi hành án nên nhiều khách hàng vì muốn trì hoãn việc trả nợ đã “vận dụng thủ tục” này để yêu cầu Ngân hàng phải giải quyết tranh chấp thông qua tòa án mặc dù Nghị định 163/NĐ_CP 2006 về quyền xử lý tài sản bảo đảm đã cho phép TCTD có thể chủ động xử lý tài sản đảm bảo hoặc khởi kiện.

Khó thu giữ tài sản để bán đấu giá công khai

Một trong những biện pháp xử lý nợ mang lại kết quả nhanh và hiệu quả đối với những khoản nợ xấu là biện pháp thu giữ tài sản để bán đấu giá công khai mà trong các luật và quy định đã có. Nhưng, theo ông Dương, dù TCTD đã gửi trước hồ sơ và kế hoạch thu giữ tài sản đến chính quyền địa phương theo đúng quy định thì vẫn tồn tại tình trạng nhiều địa phương không đồng ý hỗ trợ, thậm chí ngăn cản hoạt động xử lý TSBĐ của TCTD thông qua việc “mời” cán bộ của TCTD lấy lời khai; hoặc yêu cầu TCTD không được thực hiện việc thu giữ; hoặc yêu cầu TCTD ra khỏi tài sản; và nhiều trường hợp yêu cầu TCTD trả lại tài sản đã thu giữ xong.

Ông lấy ví dụ, trong tháng 10/2016, Techcombank đã tiến hành thu giữ 1 TSBĐ tại Hà Nội – đây là TSBĐ của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2000 ngày. Mặc dù Ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ TSBĐ (bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ), nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, TCTD đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ Chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng nhưng cơ quan chức năng thuộc một số UBND quận huyện lại chủ trương không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, trong khi tại các quận huyện khác ngân hàng tiến hành thủ tục xử lý TSBĐ bình thường.

Trong hoạt động xử lý TSBĐ, việc thu giữ, bán, sang tên, hạch toán thu nợ một số TSBĐ của ngân hàng kéo dài hàng năm trời. Cá biệt có không ít trường hợp phiên đấu giá thành tài sản đã diễn ra từ năm 2013 nhưng đến nay tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng đấu giá.

Thực tế đã chứng minh, hoạt động xử lý TSBĐ gặp khó khăn hơn do chính quyền địa phương không đồng thuận. Và đến nay, hàng trăm tài sản bảo đảm nằm phơi sương mà TCTD không làm gì được.

Cần có sự hỗ trợ nhiều hơn và mạnh mẽ hơn

Theo ông Thiệu Ánh Dương, việc tổ chức tín dụng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm là theo quy định pháp luật nhằm xử lý nợ xấu, cũng là góp phần duy trì, phát triển một nền kinh tế tài chính lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo quyền xử lý TSBĐ của TCTD với tư cách là bên nhận thế chấp tài sản, với nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia quyết liệt hơn, sự hỗ trợ tích cực hơn từ các cơ quan hữu quan, đồng thời phải có hành lang pháp lý phù hợp.

Ông Dương đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo, trình Quốc hội thông qua Luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động xử lý tài sản bảo đảm, theo đó, đảm bảo quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD;

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục hỗ trợ, phối hợp các cơ quan chức năng khác (Công an, Ủy Ban, Tòa án, Thi hành án các cấp) để mở nhiều hội thảo chuyên đề xử lý nợ, theo đó mời các cơ quan ngôn luận tham gia đầy đủ để truyền thông, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân về hoạt động xử lý nợ.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên