MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng làm gì để gỡ bài toán đói vốn cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp?

11-10-2019 - 20:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Vì sao một số doanh nghiệp nhỏ vẫn kêu khó vay vốn ngân hàng? Phó Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết “Thực tế ngân hàng rất muốn tìm kiếm những dự án tốt, những khách hàng tốt nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp một số khó khăn như tình hình tài chính thiếu minh bạch, sản phẩm chưa chứng minh được tính cạnh tranh với thị trường, thiếu tài sản đảm bảo...”

Gỡ bài toán vay vốn cho doanh nghiệp

Trao đổi với PV báo Lao Động tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sáng ngày 11.10.2019, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các nền kinh tế - Ngân hàng nhà nước cho biết: “Một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng là không có tài sản đảm bảo hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu. Phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, chưa kiểm soát được dòng tiền vì vậy khó tiếp cận vốn ngân hàng”.

Ngân hàng làm gì để gỡ bài toán đói vốn cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp? - Ảnh 1.

Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộdiễn ra sáng 11.10. Ảnh A. Thắng

Bàn về những rào cản chính giữa các doanh nghiệp và ngân hàng, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: “Đối với những doanh nghiệp tốt, khách hàng truyền thống, ngân hàng luôn dành chính sách ưu đãi phí, lãi suất…   Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới khởi nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn.

Thực tế ngân hàng rất muốn tìm kiếm những dự án tốt, những khách hàng tốt nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, tình hình tài chính thiếu minh bạch, báo cáo tài chính, chưa đáp ứng được chuẩn mực của các ngân hàng mà trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng tăng.

Thứ hai, các phương án kinh doanh chưa đảm bảo tính khả thi, sản phẩm chưa chứng minh được tính cạnh tranh với thị trường; đội ngũ quản trị còn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, công nghệ chưa đáp ứng được bối cảnh cạnh tranh về công nghệ hiện này để đưa ra được sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chất lượng tốt để phục vụ cho thị trường”.

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du thuyền Genesis Việt Nam chia sẻ: "Một trong những yếu tố quan trọng để tiếp cận vốn đặc biệt là vốn tín chấp ngân hàng là phương án kinh doanh của bạn phải hiệu quả, đem lại lợi nhuận và đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và dòng tiền trong tương lai".

Ổn định tỉ giá để doanh nghiệp tập trung sản xuất, tránh đầu tư ngoại tệ

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt, cố gắng điều hành lãi suất ổn định theo xu hướng giảm dần khi điều kiện vĩ mô và các chỉ số cho phép. Ngày 16.9.2019, Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 0,25%, điều này có tác động tích cực, tạo hiệu ứng để các ngân hàng thương mại có động thái giảm lãi suất giảm cho doanh nghiệp.

Thông điệp quan trọng mà lãnh đạo Ngân hàng nhà nước đưa ra lần này là “Trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn.

Chính sách tỉ giá sẽ được điều hành ổn định, tạo điều kiện cho cả xuất khẩu và nhập khẩu, phù hợp cung cầu ngoại tệ thị trường, đảm bảo quyền lợi cho xuất khẩu và nhập khẩu, đảm bảo chỉ số vĩ mô, đảm bảo trả nợ. Đây là thông tin mà các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Bắc đặc biệt quan tâm vì địa bàn này có nhiều dự án lớn, đầu tư nước ngoài FDI.

Việc ổn định tỉ giá giúp doanh nghiệp yên tâm, không kì vọng vào câu chuyện lạm phát hay phá giá đồng tiền để các doanh nghiệp tập trung sản xuất, tránh câu chuyện đầu tư ngoại tệ”.

Theo Lan Hương

Lao động

Trở lên trên