MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng lớn nào đang có lãi suất tiền gửi cao nhất?

19-02-2019 - 09:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong nhóm Big4, lãi suất của BIDV và Agribank nhỉnh hơn của Vietcombank và VietinBank. Ở nhóm 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất thì SCB và VPBank đang rộng tay hơn trong việc trả lãi cho các khoản tiền từ 6 đến 12 tháng...

Đầu năm, nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp thường rất cao, do đó các ngân hàng thường tranh thủ dịp này để đưa ra các chương trình khuyến mại hoặc tăng lãi suất để hút khách.

Trong cuộc đua hút khách gửi tiền, những ngân hàng lớn, có hệ thống mạng lưới rộng thường có lợi thế hơn trong việc tiếp cận khách hàng, còn ngân hàng nhỏ mạng lưới mỏng thường phải dùng lãi suất và chất lượng phục vụ để cạnh tranh. Việc quyết định gửi tiền ở đâu với mỗi người đều dựa trên các tiêu chí khác nhau, có thể là uy tín, là lãi suất cao, là gần với nơi ở và làm việc, là sự tiện lợi trong việc sử dụng các dịch vụ khác…song lãi suất vẫn là một trong những yếu tố được quan tâm hơn cả.

Trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, lãi suất cao nhất đang thuộc về VietinBank ở mức 7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng song các kỳ hạn ngắn hơn thì BIDV và Agribank lại có lợi thế hơn.

Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng thì lãi suất cả 4 ngân hàng là 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm nhưng riêng BIDV huy động lãi suất 5,2%/năm cho kỳ hạn 5 tháng.

Ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, hiện BIDV và Agribank cùng huy động 6 tháng là 5,5%; mức 5,6%/năm cho kỳ hạn 9 tháng còn 364 ngày và 12 tháng là 6,8%/năm. Trong khi đó VietinBank chỉ huy động lãi suất 5% cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 363 ngày, nếu gửi 364 ngày được 6,6% và 12 tháng thì được 6,8%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất 6 tháng đến dưới 12 tháng cao hơn nhiều so với của VietinBank nhưng thấp hơn BIDV. Hiện ngân hàng làm ăn tốt nhất hệ thống đang huy động 5,5%/năm cho các khoản tiền gửi này. Nếu 12 tháng trở lên thì đồng nhất 6,8%/năm.

Còn với các khoản tiền không kỳ hạn, hiện BIDV, VietinBank và Vietcombank trả lãi 0,1%/năm trong khi Agribank trả gấp đôi là 0,2%/năm.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cũng có sự phân biệt rất lớn, không chỉ giữa các ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn với nhau mà ngay cả trong nội bộ nhóm những ngân hàng lớn nhất (xét theo quy mô vốn và mạng lưới).

Techcombank đang trả lãi suất cao nhất là 7%/năm cho các khoản tiền trên 3 tỷ và gửi 24 tháng trở lên. Các khoản tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất từ 5% - 5,3%/năm tùy mức tiền gửi. Đối với các khoản tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì lãi suất đang là 6,1 – 6,4%/năm, trong đó mức cao nhất được áp dụng cho 6 tháng chứ không phải 9 tháng như hầu hết các nhà băng khác. Với khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên nếu gửi 3 tỷ trở lên thì lãi suất của Techcombank mới được bằng mức lãi suất 6,8%/năm mà 4 "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước đang áp dụng cho bất kỳ khoản tiền nào, còn nếu gửi ít hơn 3 tỷ thì chỉ được 6,6 – 6,7%/năm.

Các mức lãi suất nói trên của Techcombank đang kém xa so với lãi suất mà VPBank huy động. Hiện các khoản tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng của VPBank đang là 5,3 – 5,4%/năm trong khi 6 tháng đến dưới 12 tháng là 7%/năm. Nếu gửi 12 tháng, lãi suất của ngân hàng này là 7,05%/năm và gửi 36 tháng trở lên là 7,8%/năm.

Tại MBBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng đang là 5 – 5,4%/năm trong khi 6 tháng đến dưới 10 tháng là 6,3% và kỳ hạn 10 tháng, 11 tháng là 6,4%/năm – tương đương của Techcombank nhưng kém hơn đáng kể so với VPBank. Song các khoản tiền từ 12 tháng đến 24 tháng thì MB đang tỏ ra hào phóng hơn so với 2 ngân hàng trên khi trả lãi 7,2 – 7,5%/năm. Các kỳ hạn trên 24 tháng MB trả lãi 7%/năm.

Sacombank trong khi đó huy động cao kịch trần là 5,5%/năm cho các khoản tiền từ 3 tháng trở lên còn 1 tháng là 5%/năm và 2 tháng là 5,4%/năm. Với các khoản tiền từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lãi suất là 6,5 – 6,7%/năm – cao hơn của Techcombank và MB nhưng thấp hơn của MB. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được trả lãi từ 6,9 – 7,4%/năm, đặc biệt nếu có 100 tỷ trở lên mà gửi 13 tháng thì được 7,8%/năm.

Tại SCB, các khoản tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất là kịch trần 5,5%/năm trong khi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tới 7,1 – 7,35%/năm. Nếu gửi tiền 12 tháng thì ngân hàng này trả lãi 7,5%/năm và xa hơn là 7,7 – 7,75%/năm.

Như vậy trong top 5 ngân hàng tư nhân có vốn và mạng lưới rộng nhất thì gửi dưới 6 tháng có vẻ tương đương nhau, nhưng nếu từ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì SCB đang vượt trội hơn hẳn. Với các khoản tiền gửi 12 tháng đến 24 tháng, ngân hàng SCB, Sacombank và MB đang vượt hơn so với 2 nhà băng còn lại.

Tại nhóm 5 ngân hàng tư nhân lớn tiếp theo, Eximbank chào lãi suất rất cao khi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là đồng loạt kịch trần 5,5%/năm, 6 tháng đến dưới 12 tháng là 7,6%/năm, 12 tháng trở lên là 8 – 8,3%/năm.

Trong khi đó SHB, MSB, ACB và HDBank có mức lãi suất chênh lệch không đáng kể.

Cụ thể tại SHB, với các khoản tiền từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ 5,3 – 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6,8 – 6,9%/năm còn 12 tháng trở lên là 7 – 7,3%/năm.

Trong biểu lãi suất mới nhất của Maritime Bank (MSB), các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,85% - 5,5%/năm tùy thuộc mức tiền gửi. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 6,7 – 6,9%/năm và 12 tháng trở lên từ 7,1 – 7,3%/năm.

ACB hiện kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 5,1 – 5,5%/năm, các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì trả lãi 6,4 – 6,9%/năm và từ 12 tháng trở lên là 6,8 – 7,2%/năm tùy mức tiền gửi từ nhỏ đến lớn.

Còn mức lãi suất của HDBank dưới 6 tháng là 5,3 – 5,5%/năm trong khi 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6,3 – 6,4%/năm và 12 tháng trở lên từ 7 – 7,4%/năm.

Như đã đề cập ở trên, lãi suất là một trong những tiêu chí để lựa chọn gửi tiền ở đâu, nhưng không phải là tất cả, nhất là khi mức lãi suất không có sự chênh lệch đáng kể. Vì thế trong cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng, các ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa để có được chất lượng dịch vụ tốt nhất, có như vậy mới giữ chân được khách hàng cũ và thu hút được khách hàng mới đến nhiều hơn.

Theo nhận định của nhóm phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của công ty chứng khoán SSI, nhìn lại quá khứ, khi lạm phát được bình ổn, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hợp lý thì nhu cầu tín dụng cũng được mở rộng trong khi lượng tiền huy động thu hẹp vì dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư có mức sinh lời tốt hơn.

Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng huy động duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Những diễn biến tích cực cả trong nước và quốc tế thời gian gần đây vừa giải tỏa áp lực đối với lãi suất nhưng cũng khiến tăng sức cạnh tranh của các kênh đầu tư khác so với tiền gửi. Vì thế, lãi suất huy động dự báo sẽ vẫn neo ở mức cao hiện nay, xác suất giảm khá thấp.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên