MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng 'lội ngược dòng' giữa cơn bão bất ổn: Từ 'vô danh' thành top 15 nhà băng lớn nhất Mỹ, kiếm hơn 1 tỷ USD kể từ khi thâu tóm SVB

12-05-2023 - 12:47 PM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng 'lội ngược dòng' giữa cơn bão bất ổn: Từ 'vô danh' thành top 15 nhà băng lớn nhất Mỹ, kiếm hơn 1 tỷ USD kể từ khi thâu tóm SVB

Hiện tại, giá cổ phiếu của First Citizens đang ở mức cao kỷ lục, trong khi một loạt ngân hàng khu vực khác của Mỹ vẫn rơi vào cảnh khó khăn.

Vài tháng trước, Frank Holding Jr. là người đứng đầu của một nhà cho vay ít ai biết ở North Carolina. Giờ đây, sau khi những ngân hàng khu vực của Mỹ trải qua bất ổn, ông đang nắm giữ khối tài sản thuộc top tăng giá trị nhanh nhất thế giới.

Holding và đại gia đình của ông chứng kiến giá trị cổ phần trong First Citizens BancShares Inc. tăng gấp đôi kể từ cuối tháng 3. Khi đó, nhà cho vay có trụ sở tại Raleigh đã mua lại tài sản của ngân hàng Silicon Valley Bank.

Hiện tại, giá cổ phiếu của First Citizens đang ở mức cao kỷ lục và giá trị cổ phần của gia đình ông Holding trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Cổ phiếu ngân hàng này tăng 7,5% lên 1.175,35 USD vào ngày 10/5, sau khi thông báo số lượng tiền gửi vượt ước tính nhờ thương vụ giải cứu SVB.

Việc First Citizens thâu tóm SVB thông qua FDIC đã giúp họ sở hữu một danh mục cho vay trị giá 143 tỷ USD. Thương vụ cũng đưa ngân hàng này thành một trong những nhà cho vay lớn nhất nước Mỹ trong ngành đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Theo đó, First Citizens đã thuộc top 15 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, sở hữu nhiều tài sản hơn cả Morgan Stanley và American Express.

First Citizens khởi đầu với số 10.000 USD dưới cái tên Bank of Smithfield vào năm 1898, chủ yếu phục vụ khách hàng ở quận Johnston thuộc North Carolina. Năm 1935, ông nội của Holding là R.P. Holding đảm nhận vị trí chủ tịch điều hành kiêm chủ tịch HĐQT và ông lãnh đạo công ty đến khi qua đời vào năm 1950.

Ngân hàng Mỹ 'lội ngược dòng' giữa cơn bão bất ổn: Từ 'vô danh' thành top 15 nhà băng lớn nhất cả nước, kiếm hơn 1 tỷ USD kể từ khi thâu tóm SVB - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu First Citizens tăng mạnh dù thị trường ảm đạm.

Khi đó, quyền lãnh đạo được chuyển gia cho 3 người con trai của ông là Robert Holding, Lewis R. Holding và Frank B. Holding. Vào những năm 1970, công ty đã chuyển trụ sở chính đến Raleigh khi tài sản lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD.

Đến năm 1994, First Citizens mở chi nhanh bên ngoài North Carolina sau khi mua lại một ngân hàng ở phía tây Virginia. Vài năm sau, nhà cho vay này cũng mở thêm một công ty con kinh doanh mảng tiết kiệm, hoạt động liên bang, từ đó giúp ở mở rộng nhiều hơn trên cả nước Mỹ.

Frank B. Holding Jr. được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2008 và trở thành chủ tịch vào năm sau đó, đúng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số giám đốc điều hành khác của ngân hàng, như Phó Chủ tịch Hope Holding Bryant và Chủ tịch Peter Bristow, cũng là thành viên của gia đình Holding.

Holding và những người thân của ông đã thuộc nhóm những người siêu giàu trên thế giới, nhờ kinh doanh trong ngành ngân hàng. Theo Bloomberg, gia tộc này được “chia” thành ít nhất 5 nhánh, có nhóm phụ trách hoạt động mở rộng ra bên ngoài North Carolina.

Trong 4 thập kỷ qua, gia tộc này đã nhận được ít nhất 35 triệu USD thông qua các đợt chia cổ tức và bán cổ phần, đồng thời đa dạng hoá sang ngành bất động sản thương mại và nông nghiệp.

Ngân hàng Mỹ 'lội ngược dòng' giữa cơn bão bất ổn: Từ 'vô danh' thành top 15 nhà băng lớn nhất cả nước, kiếm hơn 1 tỷ USD kể từ khi thâu tóm SVB - Ảnh 2.

Frank Holding Jr.

Giống như những gia tộc siêu giàu khác, nhà Holding đã duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với tài sản chính của họ. Frank Holding và người thân của ông nắm giữ cổ phiếu hạng B với 16 quyền biểu quyết mỗi người, trong khi cổ phiếu hạng A chỉ có 1 quyền biểu quyết. Họ chuyển giao tài sản cho thế hệ sau bằng cách uỷ thác số cổ phiếu có quyền biểu quyết đó.

Frank Holding đã tận dụng thời cơ khi SVB sụp đổ bằng cách cùng tham gia với các giám đốc ngân hàng khác để mua cổ phần trong các công ty. Ông đã chi 260.000 USD để mua cổ phiếu của First Citizen vào đầu tháng 3, với giá 650 USD/cổ phiếu.

Hiện tại, một số thành viên trẻ hơn của gia tộc cũng làm việc ở First Citizen. Perry Bailey, con gái của Frank, kiếm được 224.082 USD khi làm việc ở ngân hàng này vào năm ngoái. Em họ của cô - John Patrick Connell, thì “bỏ túi” 105.116 USD.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, First Citizens đã mua lại các ngân hàng gặp khó khăn tương tự như SVB, địa điểm trải dài từ Washington đến Wisconsin và Pennsylvania. Tuy nhiên, sự phát triển của ngân hàng này không hoàn toàn gắn với những thương vụ thâu tóm các nhà băng gặp khó khăn, với mức giá “hời”. Năm ngoái, First Citizens đã “chốt” thoả thuận mua lại CIT Group trị giá hơn 2 tỷ USD.

Hiện tại, First Citizens là một ngân hàng hoạt động với quy mô toàn nước Mỹ, với hơn 500 chi nhánh và văn phòng trải rộng khắp các bang, thậm chí ở xa xôi như Hawaii. Với hơn 10.000 nhân sự, nhà băng này cung cấp dịch vụ ngân hàng truyền thống cho người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời cũng là một trong những nhà cho vay lớn nhất ngành đường sắt ở Mỹ.

Tham khảo Bloomberg

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên