MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào chủ động nguồn lực đối ứng nợ xấu tốt nhất?

15-08-2019 - 18:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Một tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao cho thấy độ chủ động nguồn lực đối ứng nợ xấu của ngân hàng đang ở mức tốt, và ngược lại...

Nợ xấu đang tăng trở lại

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm do các nhà băng công bố cho thấy kết quả kinh doanh khá khả quan khi nhiều nhà băng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng cũng đáng chú ý khi nợ xấu có xu hướng tăng trở lại, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại đang giảm dần.

Thống kê của BizLIVE từ số liệu BCTC quý II/2019 của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tính đến ngày 30/6/2019, tổng nợ xấu của 17 ngân hàng ở mức gần 81,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.

Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng 5,5% so với đầu năm, lên mức hơn 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2018 ở mức 55,8%.

Trong gần 6,7 nghìn tỷ nợ xấu nội bảng tăng thêm trong 6 tháng đầu năm, 73,9% đến từ 3 ngân hàng BIDV, SHB và Vietcombank (lần lượt là 2.318 tỷ đồng, 1.713 tỷ đồng và 910 tỷ đồng).

Mặc dù tổng dư nợ mở rộng nhanh khi nhiều ngân hàng đẩy cao tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay, nhưng vẫn không bao được dấu hiệu nợ xấu đang tăng trở lại. Tỷ lệ nợ xấu của nhóm theo đó đã lên 1,65%/tổng cho vay, so với mức 1,63% hồi đầu năm.

VPBank, SHB và VIB đang là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhóm khảo sát, ở mức lần lượt 3,43%, 2,88% và 2,27%.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nợ xấu gia tăng chủ yếu đến từ việc các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, mở rộng cho vay cá nhân, tài chính tiêu dùng. Đây là những mảng mang về lãi biên cao hơn nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cao hơn so với mảng tín dụng truyền thống.

Nhưng, đáng kể hơn cả, một phần nợ xấu tăng lên được cho là đến từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), khi số nợ xấu “gửi tạm” tại đây từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 chưa được xử lý đã lần lượt đáo hạn và các nhà băng buộc phải nhận lại…

Ngân hàng nào có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất?

Theo quy định, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Đây là số tiền được xác định để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của ngân hàng.

Số dự phòng rủi ro cần phải trích lập bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng chung là khoản tiền được xác định để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể, được tính bằng 0,75% tổng dư nợ được phân loại từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Còn dự phòng cụ thể là khoản tiền được trích lập trên cơ sở phân loại cụ thể các khoản nợ, trong đó, nợ nhóm 2 trích lập 5%, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.

Và để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu, người ta thường xem xét tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC) của các nhà băng.

Khảo sát tại 17 ngân hàng niêm yết cho thấy, LLC ở nhiều ngân hàng ghi nhận giảm so với đầu năm, với LLC bình quân giảm từ 87% xuống còn 85,8%.

Ngân hàng nào chủ động nguồn lực đối ứng nợ xấu tốt nhất? - Ảnh 1.

Trong đó, các ngân hàng có LLC giảm mạnh bao gồm SHB (giảm từ 57,75% xuống còn 46,82%), Kienlongbank (giảm từ 91,9% xuống 77,54%)… Một số ngân hàng thậm chí có LLC ở mức rất thấp, chưa đầy 50%.

Ở hướng ngược lại, một số ngân hàng có LLC tăng tốt và ở hiện ở mức trên 100%. Trong đó, LLC của Vietcombank lên tới 177,45%, tiếp tục tăng so với mức 165,4% hồi đầu năm, dẫn đầu nhóm khảo sát, và nhiều khả năng là đứng đầu hệ thống.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác cũng có LLC cao bao gồm ACB ( đạt 161,48%, từ mức 151,9% hồi đầu năm), BacABank (từ 121,6% lên 122%) và tại VietinBank (đạt 100%, so với mức 95% đầu năm).

Một tỷ lệ LLC cao cho thấy độ chủ động nguồn lực đối ứng nợ xấu của ngân hàng đang ở mức tốt.

Và ngược lại, nếu tỷ lệ này đang ở mức thấp, thì rủi ro tín dụng khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay như đã cam kết đối với ngân hàng sẽ càng cao, từ đó có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh của nhà băng.

Theo Trần Thúy

Bizlive

Trở lên trên