Ngân hàng nào đang cho vay nhiều nhất?
Dư nợ cho vay khách hàng giữa các nhà băng có sự cách biệt và phân hóa rõ rệt.
Tính đến cuối tháng 9, BIDV là ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất trong các ngân hàng TMCP với gần 954 nghìn tỷ đồng. Những vị trí tiếp theo là VietinBank, Vietcombank, SCB và Sacombank với lần lượt là 876 nghìn tỷ, 616 nghìn tỷ, 298 nghìn tỷ và 250 nghìn tỷ đồng.
Agribank chưa công bố kết quả hoạt động 9 tháng, tuy nhiên khả năng còn cao hơn cả BIDV và ở vị trí dẫn đầu cả hệ thống ngân hàng. Trước đó, theo số liệu cuối quý 2, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ Agribank và BIDV đều suýt soát nhau, lần lượt là 911 nghìn tỷ và 885 nghìn tỷ. Trong những năm trở lại đây, khoảng cách dư nợ cho vay của Agribank và BIDV ngày càng được thu hẹp.
Tương tự như sự cách biệt trong huy động tiền gửi, các "ông lớn" đang chiếm giữ thị phần rất lớn trong hoạt động cho vay trên thị trường. Quy mô dư nợ cho vay của BIDV hiện đang gấp 3, gấp 4 lần so với SCB, Sacombank và còn gấp cả chục lần với những ngân hàng tầm trung như VIB, Eximbank.
Khoảng cách này không rút ngắn đi mà ngày càng nới rộng bởi tăng trưởng ở những ngân hàng lớn cũng cao hơn mặt bằng chung. Trong 9 tháng, tăng trưởng cho vay khách hàng ở BIDV đạt 11,5% tương ứng với hơn 98.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Con số này, thậm chí còn lớn hơn cả tổng tài sản của những ngân hàng nhỏ như OCB, NamABank, ABBank,…
Dư nợ cho vay khách hàng (đã trừ đi trích lập dự phòng) của 23 ngân hàng, đơn vị: Tỷ đồng
Xét về tốc độ tăng trưởng giữa các ngân hàng có sự phân hóa khá rõ rệt. Có 5 ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng âm so với đầu năm là SHB, ABBank, PGBank, Eximbank và Saigonbank trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao có thể kể đến Vietcombank (15%), HDBank (15,7%), LienVietPostBank (14,6%), TPBank (16,2%) và NamABank (26%).
Trong đó, hoạt động cho vay tại HDBank, LienVietPostBank và TPBank đã tăng mạnh ngay từ nửa đầu năm, lên gần kín "room" do NHNN cấp, vì thế mà cho vay của nhóm này quý 3 vừa rồi được hãm lại. Chẳng hạn tại TPBank, so với thời điểm cuối quý 2/2018, cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 giảm nhẹ 19 tỷ đồng.
Bên cạnh Vietcombank, 2 "ông lớn" BIDV và VietinBank cũng có tăng trưởng tín dụng tương đối cao lần lượt là 11,9% và 11,5%.
Trong khi cho vay tăng mạnh thì huy động lại tăng ít hơn, ví dụ như BIDV là 10,9% và VietinBank là 9,7%. Chênh lệch tăng trưởng huy động và cho vay đã khiến những nhà băng này không thể ngồi yên trước cuộc đua lãi suất của nhóm ngân hàng tư, đồng thời đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá, đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn dài để bổ sung nguồn vốn.
Trí Thức Trẻ