MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất?

26-08-2019 - 14:34 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN vừa có động thái "nhắc nhở" hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây vì cho rằng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy thực tế số dư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng hiện nay như thế nào?

Theo thống kê, Techcombank đang là ngân hàng có số dư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường hiện nay. Cuối tháng 6/2019, số chứng khoán nợ của các TCKT phát hành sẵn sàng để bán tại Techcombank là hơn 45.000 tỷ đồng, tăng tới hơn 7.100 tỷ (tăng 18,6%) so với hồi đầu năm.

Cùng với đó, số dư chứng khoán nợ của các TCKT giữ đến ngày đáo hạn của ngân hàng cũng hơn 14.400 tỷ, giảm 5.800 tỷ đồng tức giảm 28,7% so với đầu năm. Số trái phiếu doanh nghiệp tại mục chứng khoán kinh doanh là 800 tỷ đồng. 

Như vậy, tổng trái phiếu doanh nghiệp tại Techcombank là khoảng 61 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% trong tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này. 

Trước đó, trong năm 2018, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại Techcombank ước tăng tới hơn 3 lần và là động lực tăng trưởng tín dụng chính của nhà băng này, trong khi dư nợ cho vay khách hàng sụt giảm. Ngân hàng này không chỉ sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất mà còn là ngân hàng dẫn đầu về tư vấn phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây và điều này cũng được lãnh đạo ngân hàng này nhiều lần tự hào xác nhận trong các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư hoặc truyền thông. 

Theo sau Techcombank, BIDV có số dư trái phiếu doanh nghiệp hơn 22.000 tỷ, giảm nhẹ 6% so với hồi đầu năm. Các ngân hàng sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp khác có thể kể đến VietinBank (hơn 19.000 tỷ), SHB (hơn 16.000 tỷ), MBBank (hơn 15.000 tỷ), VPBank (hơn 8.000 tỷ), Vietcombank (hơn 7.000 tỷ),….

Ngân hàng nào đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất? - Ảnh 1.

Tổng hợp từ BCTC các ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm, MBBank là ngân hàng gia tăng mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Cuối tháng 6, số dư chứng khoán nợ do các TCKT phát hành ở mục chứng khoán đầu tư của ngân hàng này đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 76% so với đầu năm. Ngân hàng này đã tất toán sạch trái phiếu VAMC nên hơn 15.000 tỷ đồng nói trên chủ yếu là trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành.

Theo quan sát, trong thời gian qua, MB còn nhiều lần "ôm trọn" các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Chẳng hạn, từ ngày 3/6-31/7/2019, nhà băng này đã mua trọn 550 tỷ đồng trái phiếu do BĐS Phát Đạt phát hành. Trước đó, MBBank cũng mua 100 tỷ đồng trái phiếu của Cáp treo Bà Nà, 180 tỷ đồng trái phiếu của PQC Convention,…

Những ngân hàng sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống còn có thể kể đến như VietinBank, BIDV, VPBank, TPBank, VIB, HDBank,…

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, ngoài một số trường hợp như Techcombank, MBBank,...thì số dư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng còn lại không thay đổi quá nhiều, như VietinBank giảm hơn 3.000 tỷ, VPBank giảm nhẹ 82 tỷ, BIDV giảm hơn 600 tỷ, TPBank tăng thêm hơn 1.300 tỷ,….

Có thể thấy, ở đại đa số ngân hàng, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm không có sự tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, quan sát các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây, bên mua lại có sự góp mặt rất nhiều ngân hàng thương mại, với khối lượng mua khá lớn, từ vài trăm tỷ cho đến hàng nghìn tỷ đồng một đợt phát hành. Điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại rủi ro tiềm ẩn và có lẽ đó cũng là lý do khiến cơ quan quản lý phải lên tiếng.

Trong văn bản gửi các ngân hàng mới đây, Cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã phải nhắc nhở các nhà băng cần chú ý tới hoạt động đầu tư trái phiếu bất động sản khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý cũng lưu ý một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; một số tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành.

NHNN nhấn mạnh việc yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng cũng phải tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu, hạn chế nợ xấu phát sinh,…

Trên thực tế, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang là nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay, thường trên 10%/năm, cao nhất lên tới 14,5%/năm. Bởi vậy, sức hấp dẫn của trái phiếu BĐS luôn cao hơn so với các lĩnh vực khác. Một số chuyên gia còn cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp đang bị đẩy lên quá "nóng" là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng phải tăng rất mạnh lãi suất huy động từ dân cư thời gian gần đây.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên