Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất?
Tiền gửi tại phần lớn các ngân hàng vẫn tăng sau ba quý, trong khi số ít giảm 3-7%.
- 28-11-2021Sau khi lên xuống chóng mặt, giá vàng sẽ ra sao trong tuần tới?
- 28-11-2021"Ôm" nợ vì mua xe chạy dịch vụ
- 28-11-2021Đại dịch thúc đẩy người dân TP.HCM thanh toán không dùng tiền mặt
Thống kê với 26 ngân hàng, tiền gửi tại thời điểm cuối tháng 9, ở mức 7,15 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm trước. Con số này thấp hơn mức 7% của cùng kỳ 2020. Thay đổi lớn nhất đến từ Techcombank, TPBank và Viet Capital Bank, khi tiền gửi cùng tăng 10%.
Một số ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi tiếp theo có thể điểm tới như VIB 9%, Vietcombank 8%... Một số ngân hàng tăng 1-2% như Saigonbank, OCB, VietBank, BacABank.
Ở chiều ngược lại, 6 ngân hàng giảm giá trị tiền gửi sau 9 tháng, dẫn đầu là ABBank giảm 9%, xuống 67.053 tỷ đồng, theo sau, PGBank giảm 5% xuống 26.803 tỷ đồng. SeABank và Kienlongbank cùng ghi nhận giảm 4%, trong khi Sacombank và NCB giảm 3%.
Tiền gửi tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng
Xét về giá trị, ba ngân hàng quốc doanh tạo cách biệt với nhóm tư nhân. BIDV duy trì vị thế ngân hàng có tiền gửi lớn nhất trong nhiều năm với 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Vietcombank xếp thứ hai với hơn 1,1 triệu tỷ đồng và VietinBank hơn 1 triệu tỷ đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9, tổng tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380.000 tỷ, tương đương tăng 7,8%, ở mức hơn 5,25 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiền gửi dân cư tiếp tục giảm 1.500 tỷ đồng, sau khi giảm 1.000 tỷ đồng trong tháng trước. Lũy kế đến cuối tháng 9, tiền gửi khu vực dân cư tăng 2,9%, thấp hơn con số gần 3% vào cuối tháng 7. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.
Trong 5 năm qua, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại. Điều này cho thấy người dân đang bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%
Ngân hàng đẩy mạnh hút CASA
Trong bối cảnh lãi suất cho vay thấp, các ngân hàng đang đa dạng dòng tiền, tìm nguồn vốn rẻ để tối ưu chi phí vốn. Tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là một trong những ưu tiêu của nhiều ngân hàng vài năm gần đây.
Tiền gửi không kỳ hạn, là lượng tiền thanh toán của khách hàng duy trì trong tài khoản có lãi suất thấp chỉ 0,1-0,2%. Qua đó, các nhà băng có thể cân đối và luân chuyển dòng tiền này để cho vay với chi phí rẻ hơn tiền gửi có kỳ hạn.
Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn của 26 ngân hàng ở mức 21%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với cuối năm trước. Tuy nhiên ở ngân hàng có tỷ trọng lớn nhất - Techcombank, tỷ lệ CASA đang liên tục giảm sau 3 quý. Techcombank ghi nhận con số cuối quý III là 38%, thấp hơn mức 44% cuối năm trước và giá trị cũng giảm 2% xuống 120.464 tỷ đồng. Đây là một trong những ngân hàng đầu tiên sử dụng chương trình “zero fee”, nhờ đó đang có tỷ trọng CASA cao nhất trong ngành.
CASA tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, % |
Ở vị trí thứ hai, MB cũng ghi nhận tỷ trọng CASA giảm 1 điểm phần trăm so với đầu năm xuống 36%, dù giá trị tăng 7%. Ngược lại, Vietcombank ghi nhận tỷ lệ CASA tăng 1 điểm phần trăm lên 31%, giá trị cũng tăng 13% ở mức 346.860 tỷ đồng.
MB và Vietcombank là hai ngân hàng gần nhất tung ra các chương trình miễn phí chuyển khoản, thanh toán cho các khách hàng duy trì lượng tiền gửi trên tài khoản thanh toán nhất định. Một số nhà băng tăng tỷ trọng CASA so với cuối năm trước có thể điểm tới như VPBank 7 điểm phần trăm, TPBank, 5 điểm phần trăm, MSB, ABBank 3 điểm phần trăm...
Hiện nay, tăng tỷ trọng CASA trở thành xu thế trong toàn ngành ngân hàng. MSB – ngân hàng đứng thứ tư về tỷ trọng CASA lên kế hoạch đạt 40.000 tỷ đồng vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng bình quân hiện nay là 300-500 tỷ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, VPBank, hai năm gần đây, xem nâng CASA là mục tiêu trọng tâm để giảm chi phí vốn.
Số liệu NHNN ghi nhận đến cuối quý III, số dư tiền gửi CASA tăng thêm gần 128.000 tỷ đồng so với cuối năm trước, tương đương 60%, lên 794.240 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm qua, tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng gấp 3 lần và đặc biệt tăng giai đoạn năm 2020-2021.
Tiền gửi thanh toán tăng một phần đến từ việc các ngân hàng đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, ngân hàng số, giao dịch không tiền mặt. Nhiều ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng các ứng dụng trên điện thoại, internet banking, đồng thời có các chương trình như miễn phí chuyển khoản, thanh toán… để thu hút khách hàng cá nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Các ngân hàng và trung gian thanh toán khác đang cạnh tranh đưa ra những sản phẩm và các tiện ích số để thu hút người dân sử dụng dịch vụ. Đây cũng là một trong những cách ngân hàng thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn. Mặt khác, dịch Covid-19 cũng thay đổi thói quen của người dân, dịch chuyển sang mua hàng online, thanh toán online thay vì dùng tiền mặt.
NDH