Ngân hàng nào là “nàng hậu” trong cuộc chiến CASA?
Các chuyên gia tại chương trình "Bí mật đồng tiền" với chủ đề "Hoa hậu làng bank".
Cuộc chiến CASA đang ngày càng “nóng bỏng”. Nếu ví các cổ phiếu ngân hàng như nàng hậu thì ai xứng đáng giành vương miện trong vòng thi này?
- 16-02-2022Không phải Techcombank, cũng không phải MB, một ngân hàng "không ai nghĩ tới" lại có tỷ lệ CASA cao hơn cả Vietcombank
- 15-02-2022CASA ngân hàng ngày càng phân hóa
- 07-02-2022Techcombank lập kỷ lục CASA, MB và Vietcombank "bó tay" đứng nhìn?
Trên số 11 "Bí mật đồng tiền" với chủ đề "Hoa hậu làng bank" được phát sóng trên VTV3 trưa nay, các chuyên gia đã phân tích để lựa chọn ra "hoa hậu làng bank" dựa trên một loạt các chỉ số. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn "CASA" là một trong những tiêu chí quan trọng được đưa ra để đánh giá các ngân hàng.
Top 7 các "thí sinh" tiềm năng trong cuộc đua này bao gồm: Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), MB Bank (MBB), VP Bank (VPB), Tiên Phong Bank (TPB), Sacombank và LienVietPostBank (LPB).
Theo số liệu thống kê năm 2021 do ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cung cấp, Techcombank tiếp tục giữ ngôi vị quán quân với tỷ lệ CASA đạt 50,5%. Đây là nhà băng tiên phong trong việc thúc đẩy giao dịch điện tử với chính sách "zero fee", đồng thời tập trung vào chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng ngày càng tăng nhanh.
Hai đối thủ nặng ký xếp ngay sau Techcombank là MB và Vietcombank với tỷ lệ CASA lần lượt là 48,7% và 35,7%. Các chuyên gia cho biết cuộc đua CASA sẽ ngày càng "nóng" trong năm 2022 khi nhiều ngân hàng khác cũng chạy theo chính sách miễn phí dịch vụ cho khách hàng.
Với nền tảng đã được thiết lập vững chắc trong nhiều năm qua, thị trường chứng kiến cuộc đua quyết liệt giành vị trí quán quân của bộ ba Techcombank, MB và Vietcombank. Năm 2021, cuộc đua CASA giữa các ngân hàng trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi có sự góp mặt của TPBank và VPBank.
TPBank – một "nàng hậu mới nổi" trong vài năm qua đã được nhận được không ít những lời khen của các khách mời và chuyên gia khi có thành tích tăng trưởng mạnh về tỷ lệ CASA, đạt 23,3%. Tương đương với TPBank, tỷ lệ CASA của VPBank năm 2021 cũng ở mức 22,4%.
Theo bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, bên cạnh so sánh với các ngân hàng khác, việc đánh giá còn phải dựa trên mức độ cải thiện tỷ lệ này của từng ngân hàng qua các năm. Nếu xét thêm tiêu chí này VPBank sẽ vượt mặt TPBank bởi tốc độ tăng trưởng CASA năm qua của ngân hàng này là 47%, trong khi với TPBank chỉ đạt 27%.
CASA hiểu đơn giản là lượng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng, ngân hàng chi trả lãi suất rất thấp cho loại tiền gửi này nhưng lại có thể sử dụng chúng vào các mục đích kinh doanh khác của ngân hàng. Tỷ lệ CASA càng lớn cho thấy ngân hàng hoạt động càng hiệu quả khi có chi phí giá vốn rẻ.
Trả lời cho câu hỏi của MC đưa ra: "Tại sao CASA lại quan trọng?", Bà Nguyễn Hằng Nga nêu ra 2 lý do. Thứ nhất, CASA làm giảm chi phí giá vốn của ngân hàng, từ đó làm biên lãi gộp (hay chính là NIM) tăng lên, cho thấy hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Thứ hai, CASA còn thế hiện mức độ số hóa thành công của các ngân hàng khi có lượng tiền sử dụng thanh toán lớn từ nhiều khách hàng.
Dù vậy, việc tìm ra vương miện hoa hậu cho các nàng bank còn phụ thuộc và rất nhiều chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ xấu, ROA, ROE, P/B… chứ không chỉ mỗi tỷ lệ CASA.
Trong chương trình, các chuyên gia cũng đã phân tích dựa trên nhiều khía cạnh để tìm ra mã cổ phiếu xứng đáng là "hoa hậu". Từ đó, nhà đầu tư có thêm cơ sở để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn hơn.