MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào "ôm" nhiều bất động sản thế chấp nhất hiện nay?

16-06-2021 - 10:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng nào "ôm" nhiều bất động sản thế chấp nhất hiện nay?

Lượng bất động sản được thế chấp tại 10 ngân hàng cuối năm 2020 lên tới hơn 8 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo kiểm toán năm 2020 của các ngân hàng, VietinBank là ngân hàng có nhiều tài sản thế chấp nhất dù dư nợ chỉ đứng thứ 3 (sau Agribank và BIDV). Cụ thể, cuối năm 2020, giá trị các tài sản được cầm cố, thế chấp tại VietinBank được xác định lên tới hơn 2,5 triệu tỷ đồng, đạt 248% so với tổng dư nợ của nhà băng này.

Tuy nhiên, xét riêng tài sản là bất động sản thì không phải VietinBank mà Agribank đang là ngân hàng nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp nhất.

Cuối năm 2020, tài sản thế chấp, cầm cố tại Agribank có giá trị vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2019. Trong đó, tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị tới 1,84 triệu tỷ đồng.

Còn tại VietinBank, giá trị tài sản đảm bảo bất động sản ở mức 1,7 triệu tỷ đồng, chỉ đứng sau Agribank. Theo sau VietinBank là BIDV, Vietcombank, Sacombank với giá trị bất động sản thế chấp lần lượt là 1,3 triệu tỷ; 958 nghìn tỷ và 570 nghìn tỷ.

Ngân hàng nào ôm nhiều bất động sản thế chấp nhất hiện nay? - Ảnh 1.

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản. Tại 10 ngân hàng (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, MB, ACB, HDBank, VPBank), bất động sản đang chiếm tới 70% trong tổng giá trị tài sản bảo đảm. 

Tại Agribank và ACB, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 89% và 94%. Hay tỷ trọng này tại VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank cũng rất cao, lần lượt là 69%, 66%, 68% và 84%.

Trong khi đó, tỷ trọng tài sản đảm bảo bằng bất động sản lại thấp hơn ở các ngân hàng tư nhân lớn khác. Họ chấp nhận thêm nhiều tài sản đảm bảo bằng giấy tờ có giá, khoản phải thu. 

Tại MB, tài sản thế chấp, cầm cố đạt trên 1 triệu tỷ đồng và bất động sản chỉ chiếm 33%. Trong khi đó, các khoản phải thu mới là tài sản đảm bảo có giá trị lớn nhất tại nhà băng này (357 nghìn tỷ đồng), chiếm tới hơn 35%. Ngoài ra, MB còn có gần 91.000 tỷ đồng là động sản, hơn 58.000 tỷ đồng là giấy tờ có giá,…Tương tự tại VPBank, bất động sản cũng chỉ chiếm 42% trong tổng tài sản thế chấp, ngoài ra có hơn 30% là giấy tờ có giá.

Trên thực tế, bất động sản vẫn được các nhà băng ưu tiên nhận làm tài sản cầm cố, thế chấp hơn cả bởi đây là những tài sản có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu rõ ràng, ít hao mòn giá trị và khi phát sinh nợ xấu thì phát mãi có lợi hơn so với máy móc, hàng tồn kho hay giấy tờ có giá. Giá trị chuyển nhượng bất động sản thường tăng trong dài hạn do đặc tính khan hiếm. Dù vậy, việc phát mãi các khối bất động sản giá trị lớn cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng, thậm chí còn phải thẩm định, đấu giá liên tục và cho thanh toán "trả góp" mới bán được. 

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên