MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng ngoại mở rộng thị phần giữa dịch bệnh

14-01-2022 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vẫn có sự phát triển mạnh, mở rộng địa bàn, gia tăng hợp tác đầu tư, tài trợ vốn và liên kết với các doanh nghiệp trong nước.


Mở rộng hoạt động

NHNN mới đây đã cấp phép cho Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam mở thêm Phòng giao dịch Thống Nhất tại TP. Biên Hòa. Trước đó, Shinhan cũng đã đưa vào hoạt động một chi nhánh huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nâng tổng số chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này lên mức 43 điểm giao dịch tại 8 tỉnh thành phố ở Việt Nam. Chỉ trong quý IV/2021, Shinhan Việt Nam đã khai trương thêm 6 chi nhánh, phòng giao dịch mới.

Một ngân hàng nước ngoài khác là Public Bank Berhab trong năm 2021 cũng đã mở rộng thêm bốn chi nhánh, phòng giao dịch tại Hà Nội, Quảng Nam và TP.HCM. Ngân hàng này cũng đồng thời phát triển khá mạnh mảng cho vay tiêu dùng và liên kết phân phối bảo hiểm. Việc ngân hàng ngoại mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động tại những vùng có nhiều khu công nghiệp – khu chế xuất, nơi hoạt động chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp FDI đã trở thành truyền thống của nhóm ngân hàng ngoại.

Ngân hàng ngoại mở rộng thị phần giữa dịch bệnh - Ảnh 1.

Ngân hàng ngoại thường cung cấp các sản phẩm khép kín cho khách hàng với phí dịch vụ cao hơn ngân hàng nội

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc các ngân hàng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới là một tín hiệu tích cực của môi trường đầu tư Việt Nam. Thậm chí động thái của một ngân hàng Hàn Quốc gần đây cũng cho thấy họ còn có tham vọng tham gia vào phân khúc ngân hàng bán lẻ và tài trợ vốn cho chuỗi giá trị. Đơn cử, từ các sản phẩm, dịch vụ tín dụng mà Shinhan Việt Nam đẩy mạnh phát triển tại các chi nhánh, phòng giao dịch mới mở cho thấy ngân hàng này đã nhanh chóng cung ứng các dịch vụ khép kín như rút tiền không cần dùng thẻ (Smart Withdraw), tài khoản thanh toán tiện lợi S-Payroll. Đồng thời đẩy mạnh các gói tài trợ vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp FDI với lãi suất ưu đãi.

Câu chuyện mở rộng mạng lưới và gia tăng các sản phẩm dịch vụ tài chính tại thị trường Việt Nam không phải là mới. Trong hai năm gần đây, lần lượt các ngân hàng nước ngoài như UOB, HSBC, Standard Chartered… đều có những hoạt động phát triển thị phần ở các phân khúc bán lẻ và tài trợ vốn cho các chuỗi cung ứng. Theo đó, Standard Chartered Việt Nam đã tung ra gói tài chính 1 tỷ USD tài trợ vốn cho các doanh nghiệp ngành nhựa và xuất nhập khẩu. HSBC liên kết với chuỗi siêu thị Con Cưng tại 45 tỉnh thành phố tài trợ vốn cho lĩnh vực thương mại sản phẩm chăm sóc mẹ và bé; Hay Standard Chartered tài trợ vốn cho công ty tài chính Home Credit phát triển mảng cho vay tiêu dùng cá nhân.

Tăng sức ép cạnh tranh

Theo nhận định của giới đầu tư, sau gần hai năm bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, nhóm ngân hàng nước ngoài có nhiều chuyển biến trong việc mở rộng quy mô vốn và gia tăng sự hiện diện sản phẩm, dịch vụ tại các thị trường ngách trong nước. Đặc biệt, trong quý III/2021 khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội gắt gao, theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. HCM tín dụng của nhóm ngân hàng ngoại trên địa bàn vẫn có mức tăng trưởng cao nhờ nhóm khách hàng là các doanh nghiệp FDI vẫn sản xuất và xuất khẩu.

Số liệu của Shinhan Việt Nam cũng cho thấy, từ sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, ngân hàng này đã có sự bứt tốc đáng kể ở mảng kinh doanh dịch vụ và cho vay tiêu dùng. Các sản phẩm của Shinhan ngoài việc thu hút nhóm truyền thống là các doanh nghiệp có vốn từ Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, gần đây đã thu hút nhiều khách hàng Việt Nam vay để mua nhà, xe máy do tính linh hoạt của các sản phẩm vay và cách tính lãi suất ưu đãi.

Có thể nói, các ngân hàng ngoại, nhất là những ngân hàng đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm, không chỉ có tiềm lực tài chính mà còn là ngân hàng rất "am hiểu địa phương", điều mà thời gian trước vốn là thế mạnh của các ngân hàng trong nước.

Đặc biệt các ngân hàng như HSBC, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank… đều lấy điểm tựa tài chính để cạnh tranh đầu tư, mở rộng khách hàng bản địa. Trong năm 2021 Standard Chartered Việt Nam đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên hơn 6.900 tỷ đồng. Hiện các sản phẩm tài trợ vốn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty ngành nhựa, ngành thiết bị y tế của ngân hàng này nhận được sự ưa chuộng của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – khu chế xuất các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, UOB Việt Nam, trong năm 2021 cũng được NHNN cho phép tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 lên 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng Singapore này đã hợp tác với Cục Đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tăng cường thu hút khoảng 25.000 tỷ đồng vốn FDI vào thị trường Việt Nam.

Tương tự, HSBC dù thu nhập từ dịch vụ và cho vay khách hàng giảm nhẹ trong năm 2021 ngân hàng này đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như dịch tín dụng thư (L/C) nội địa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Ngân hàng HSBC cũng đã hỗ trợ General Atlantic và Dragoneer Group dẫn đầu vòng gọi vốn Serie B trị giá khoảng 250 triệu USD của VNLIFE - một startup công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ.

Mặc dù vậy, các ngân hàng ngoại thường tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng FDI và gần đây có phát triển mảng bán lẻ cho khách hàng Việt Nam, nhưng nhìn chung những người thuộc nhóm khách hàng của ngân hàng ngoại đều là khách hạng sang, chấp nhận phí dịch vụ cao hơn so với các ngân hàng nội. Do đó, hiện sức ép cạnh tranh đối với ngân hàng nội chưa lớn. Song, một khi các ngân hàng ngoại chủ trương mở rộng địa bàn, cung cấp nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ "am hiểu địa phương" sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh với ngân hàng thuần Việt.

Theo Thạch Bình

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên