Ngân hàng Nhà nước đặt lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định về quản lý thị trường vàng
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã và đang có các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá thị trường, nhu cầu thực của người dân, các thương hiệu vàng hiện nay ra sao.
- 15-06-2022Bất thường thị trường vàng (*): Phải liên thông với thế giới
- 14-06-2022Bất thường thị trường vàng (*): Đến lúc bỏ độc quyền?
- 13-06-2022Bất thường thị trường vàng
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 sáng 15-6, Báo Người Lao Động nêu câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về ý kiến cho rằng sau 10 năm áp dụng để chống "vàng hoá" nền kinh tế, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trước đây khi xây dựng Nghị định 24/2012/NĐ-CP để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong suốt 10 năm qua, không chỉ NHNN mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng , không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Thống đốc Thường trực, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của hàng hóa vàng thế giới với Việt Nam, NHNN đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá câu chuyện vàng bạc thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân là thế nào, vừa đánh giá xem câu chuyện giữa các thương hiệu vàng hiện nay ra sao?…
Không phải Quốc hội đặt vấn đề NHNN mới nghiên cứu mà việc này các lực lượng chức năng đã nghiên cứu hàng năm nay. Nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức…
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu nêu câu hỏi chất vấn về thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước thời gian qua, khi giá vàng trong nước không phản ánh được sự thay đổi của giá vàng thế giới, có tình trạng chênh lệch cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới. Đại biểu chất vấn việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia - SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không?
Ý kiến chuyên gia cho rằng do nhiều năm qua, Việt Nam không nhập khẩu vàng nên nguồn cung trong nước khan hiếm, lượng vàng miếng SJC lưu thông không được bổ sung dẫn đến tình trạng giá vàng tăng cao khi người mua nhiều hơn bán. Điều này làm tăng nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và nhà nước thất thu thuế.
Người lao động