MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước giải thích vì sao hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng

13-02-2017 - 09:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại sao, vào thời điểm này, NHNN lại đưa ra Thông tư 39 bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân; đồng nghĩa với việc các hộ kinh doanh, hộ gia đình sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn?

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, NHNN mới đây đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.

Theo Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.

Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn.

Theo ý kiến của giới phân tích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Vậy thì tại sao vào thời điểm này, NHNN lại điều chỉnh quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là pháp nhân, cá nhân. Có phải đơn thuần chỉ để làm rõ thuật ngữ, khái niệm nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng đồng nhất theo Bộ luật dân sự năm 2015?

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Vụ pháp chế NHNN cho biết: Quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017). Quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN là thực hiện (phải bảo đảm phù hợp với Bộ luật dân sự 2015) quy định đã có hiệu lực của Bộ luật dân sự 2015.

"Việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể", NHNN giải thích.

Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện trên cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Và nhiều người đang hiểu rằng các hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.

Song phía NHNN khẳng định rằng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, từ 01/01/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 đã có quy định này và không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.

Về lãi suất nhiều hộ gia đình chia sẻ, từ 15/3 trở đi nếu vay vốn họ lại phải vay với lãi suất cao hơn, có thể sẽ tính theo lãi suất cho vay tiêu dùng khiến chi phí sản xuất đội lên, nếu đứng dưới vai trò cá nhân vay vốn. Chưa kể, nếu nhóm hoặc hộ gia đình để một cá nhân đại diện vay vốn, giả sử có vướng mắc phát sinh, tranh chấp dân sự thì sẽ giải quyết ra sao? Trách nhiệm pháp lý của hộ gia đình vay dưới tư cách cá nhân sẽ được quy định như thế nào, có khác gì với trước?

Trước băn khoăn này, NHNN cho biết lãi suất vay do TCTD quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân.

"Theo quy định của BLDS 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh", Vụ pháp chế NHNN nhấn mạnh.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên