MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước khẳng định cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến

02-12-2016 - 09:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Đến ngày 28/11/2016, tín dụng tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.

Theo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ tháng 11/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) , đến ngày 22/11/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống các TCTD tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và giảm sức ép lên lãi suất cho vay, hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), đồng thời hỗ trợ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đảm bảo kiểm soát lạm phát. Tổng phương tiện thanh toán có tăng cao hơn cùng kỳ nhưng chưa tạo sức ép đến lạm phát. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh chủ yếu do điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, qua đó việc ổn định được mặt bằng lãi suất trong năm 2016 là kết quả tích cực trong điều kiện lạm phát có sức ép tăng, nhu cầu phát hành TPCP lớn và tín dụng tiếp tục tăng: Trong điều hành, trên cơ sở diễn biến lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến trong tầm kiểm soát, NHNN chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình đã góp phần giảm sức ép lên lãi suất đối với các TCTD. Kết quả là đã ổn định được mặt bằng lãi suất, một số TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát.

Tín dụng tăng từ đầu năm và đến ngày 28/11/2016, tín dụng tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng hiện nay đang tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu tín dụng vẫn chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.

Về tình hình tỷ giá, NHNN cho biết với việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt biến động linh hoạt hàng ngày bám sát thị trường liên ngân hàng trong nước, cân đối vĩ mô và tình hình trên thị trường quốc tế, cùng với diễn biến cung cầu ngoại tệ thuận lợi, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11, thị trường tài chính quốc tế biến động, tác động tâm lý khiến tỷ giá trong nước tăng.

"Những diễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong tháng 11 vừa qua là dễ hiểu vì từ đầu năm 2016 NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên thế giới, đồng đô la Mỹ cũng như các đồng tiền khác biến động. Tuy nhiên, về cơ bản cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đẩy đủ", NHNN nhận định.

Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống các TCTD, trong giai đoạn 2011-2015, quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các TCTD về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015” ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012. Sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD đã được duy trì và cải thiện cơ bản, các NHTM yếu kém đã được kiểm soát, giảm dần và cơ cấu lại toàn diện. Nợ xấu được xử lý một bước quan trọng và giữ ổn định ở mức dưới 3% theo đúng các giải pháp mục tiêu tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông, tín dụng ngân hàng tiếp tục được mở rộng và phân bổ phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia bền vững. Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh các TCTD mà còn có tác dụng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô bền vững.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên