Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền sau hơn 1 tháng tạm dừng
Phiên giao dịch 20/12 ghi nhận diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, NHNN đã sử dụng lại công cụ tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống.
- 20-12-2022NHNN tạm dừng hỗ trợ thanh khoản OMO dài hạn cho các ngân hàng
- 19-12-2022NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất chính sách theo xu hướng của FED?
- 18-12-2022Ngân hàng tuần qua: Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất, NHNN nối lại hoạt động mua ngoại tệ
Cụ thể, NHNN đã chào thầu thành công 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,39%. Lần gần nhất Nhà điều hành chào thầu tín phiếu diễn ra trong thời gian 15/11 - 18/11 với quy mô 40.000 tỷ, kỳ hạn 28 ngày và lãi suất dao động 4,5 - 6%.
Như vậy, so với đợt gần nhất vào trung tuần tháng 11, lần phát hành tín phiếu mới nhất của NHNN có kỳ hạn ngắn hơn và lãi suất trúng thầu thấp hơn.
Song hành với việc mở lại kênh hút thanh khoản, NHNN tiếp tục dừng nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá (OMO) 91 ngày. Trong ba phiên vừa qua, NHNN chỉ còn sử dụng nghiệp vụ OMO 14 ngày và 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng với quy mô đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN đã liên tục cung ứng thanh khoản kỳ hạn dài cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO 91 ngày với khối lượng đều đặn gần 3.000 tỷ/phiên trong giai đoạn 7/12 – 15/12, tổng lượng cung ứng cho hệ thống đạt gần 21.000 tỷ.
Với việc mở lại kênh tín phiếu và giảm lượng OMO hỗ trợ, NHNN đã hút ròng khỏi hệ thống gần 31.500 tỷ trong hai phiên đầu tuần. Số OMO đang lưu hành giảm về còn 58.285 tỷ đồng, trong khi số tín phiếu lưu hành tăng lên 20.000 tỷ.
NHNN mở lại kênh hút thanh khoản qua tín phiếu (Nguồn: SBV)
Những động thái NHNN diễn ra sau khi FED thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 15/12, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%. Phản ứng sau quyết định của NHTW Mỹ, tỷ giá USD/VND đã bật tăng trở lại sau nhịp giảm sâu trong nửa đầu tháng 12.
Theo giới phân tích, tỷ giá USD/VND bật tăng trở lại do chênh lệch lãi suất USD và VND bị thu hẹp sau quyết định của FED, khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn. Thực tế, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 90% khối lượng giao dịch) trong phiên giao dịch 19/12 đã giảm về mức 4,34%/năm, tương đương lãi suất chuẩn FED Funds Rate (FFR) của Mỹ.
Trong báo cáo mới phát hành, chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5 - 1 điểm % trong tháng cuối của năm 2022 và có thể tăng thêm 0,5 - 1 điểm % trong trong nửa đầu năm 2023 khi FED dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Với dự báo NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá VND/USD và việc lãi suất điều hành của FED (FFR) tiếp tục cao và cao hơn vào cuối năm, nhóm phân tích không kỳ vọng NHNN sẽ hạ nhiều lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới.
''Ngoài ra, chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng lãi suất chính sách chính của Việt Nam có thể tăng dần 0,5 điểm % vào cuối năm 2022 và tăng thêm 1 - 2 điểm % vào năm 2023'', báo cáo của ACBS viết.
Trong khi đó, tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh mới đây, đại diện nhiều ngân hàng đề nghị NHNN có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (SWAP ngoại tệ) và cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn dài (OMO) để các nhà băng có thêm nguồn lực giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đại diện VietinBank, thanh khoản thực của hệ thống có sự sụt giảm nhất định do chính sách giảm áp lực lên tỷ giá của NHNN khiến chi phí huy động vốn trên thị trường gia tăng. Trong bối cảnh nhu cầu vay USD của thị trường không lớn, VietinBank đề nghị NHNN có sự hỗ trợ thanh khoản tiền Đồng thông qua nghiệp vụ FX SWAP từ USD sang VND.
Kiến nghị với NHNN, đại diện BIDV đề xuất cơ quan này tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO và cho vay tái cấp vốn.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, cơ quan này luôn sẵn sàng cung ứng vốn đầy đủ cho hệ thống. Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, SWAP ngoại tệ.
Nhịp sống Thị trường