'Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng cũng không còn vốn để cho vay'
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng nên dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay ra.
- 17-11-2022Ngân hàng đua nhau trưng biển lãi suất cao, mức quanh 9% đang dần trở thành "bình thường mới"
- 16-11-2022Sẽ có sự thay đổi về room tín dụng trong thời gian tới?
- 09-11-2022Doanh nghiệp "khát" vốn, trông nới thêm hạn mức tín dụng
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2023 với chủ đề doanh nghiệp "vượt sóng", do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 17/11, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã chống chọi rất tốt với COVID-19, các doanh nghiệp tồn tại, củng cố và phát triển trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, có thể bắt đầu từ quý IV/2022 và năm 2023, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức hơn khi thị trường bất động sản, chứng khoản trong nước sụt giảm; đối mặt với suy thoái kinh tế thế giới và cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.
Theo các chuyên gia, không chỉ các doanh nghiệp gặp khó khăn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang và sẽ rất khó khăn để cấp vốn cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, theo thông lệ ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn. Nhưng hiện nay ngân hàng phải gánh cả vai của thị trường vốn, hậu quả là cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn.
"Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ. Điều này cũng khiến doanh nghiệp nảy ra đề xuất ngân hàng tăng room để bổ sung vốn cho doanh nghiệp", ông Hùng nói.
Phân tích khó khăn mà các ngân hàng đang đối mặt, Tổng thư ký VNBA cho biết, trong 2 năm COVID, NHNN đã ban hành 3 thông tư về tái cơ cấu, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp giúp ngân hàng có thể tiếp tục cho vay và doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhưng NHNN không thể kéo dài mãi hoạt động giãn, hoãn nợ (Thông tư 14 kết thúc vào ngày 30/6/2022) vì ngân hàng cũng không thể có vốn nếu không thu hồi được nợ.
Thông điệp của NHNN rất rõ ràng, kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, có sự linh hoạt với diễn biến vĩ mô. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đến nay dư nợ tín dụng là 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ 4,8% - như vậy NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không có vốn để cho vay tiếp thêm.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết nên buộc phải ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.
"Ngành ngân hàng đang cùng lúc phải đảm trách nhiệm vụ đảm bảo vốn cho nền kinh tế nhưng phải vừa cân đối các chỉ số vĩ mô là lạm phát và tỷ giá. Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao đang kéo theo cho vay cao. Bản thân các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng NHTM cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được", ông Hùng nói.
Cùng lúc, các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do một số doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không thể trả lại nợ cho ngân hàng; trong số đó còn có những doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng trả nợ trái phiếu trước hạn. "Nợ xấu thời gian tới có thể rất căng thẳng. Cùng với đó, hết 2023 Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực", ông Hùng nêu.
Đề xuất giải pháp, Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh vai trò của đầu tư công. "Cần quyết liệt trong giải ngân đầu tư công. Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay) đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao? Ai chịu trách nhiệm? Làm sao khơi thông nguồn vốn này? phải quyết liệt, phải quy trách nhiệm", ông Hùng đặt vấn đề
Ngoài ra, hiện nay cả trung ương và địa phương đều có quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV với hơn 20 quỹ bảo lãnh tại các tỉnh, thành phố nhưng lại không hoạt động được. Theo đó, ông Hùng cho rằng, cần phải xem xét và khởi động lại hoạt động của các quỹ bảo lãnh, có bảo lãnh, các ngân hàng mói dám cho DNNVV vay.
Cuối cùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, điều doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện tại chính là chính sách, cơ chế của nhà nước; một chính sách nhất quán không giật cục, siết chặt, không phải chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi ngày kia lại đúng.
Ngày 17/11, Ban Tổ chức Diễn đàn cũng trao chứng nhận cho TOP 15 Doanh nghiệp niêm yết có Năng lực Quản trị tài chính tốt năm 2022, trong chương trình Đánh giá năng lực Doanh nghiệp hàng năm 2022.
Chương trình được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá năng lực hoạt động của hơn 1.500 doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam thông qua Báo cáo tài chính công khai hàng năm với 21 tiêu chí cụ thể, xác thực bao gồm Doanh thu, lợi nhuận, vòng quay vốn lưu động, chỉ số thanh toán nhanh, số vòng quay hàng tồn kho, khả năng thanh toán lãi vay, hiệu suất sử dụng tài sản cố định; lãi cơ bản trên cổ phiếu, chỉ số về thuế, đóng góp cho ngân sách, chỉ số về bán hàng và marketing, chỉ số nguồn nhân lực, hệ thống tổ chức, chỉ số quản lý điều hành…
Nhà Đầu Tư