Ngân hàng nhận "quà Tết" chính sách
Chính phủ vừa định hướng loạt chính sách quan trọng liên quan đến ngành ngân hàng, đặc biệt trong việc giảm tải áp lực hệ thống khi điều kiện hoạt động và nền kinh tế "không được như bình thường".
- 31-01-2022Gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng: Làm sao giải ngân nhanh, hiệu quả?
- 31-01-2022Cổ phiếu ngân hàng nào mang lại nhiều tài lộc nhất cho nhà đầu tư trong năm Tân Sửu?
- 31-01-202210 năm từ cuộc khủng hoảng 2011, trật tự vốn các ngân hàng thay đổi ra sao?
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hằng năm và 5 năm 2021-2025.
Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).
Đáng chú ý, với vai trò là ngành “xương sống”, một loạt các chính sách quan trọng liên quan đến ngành ngân hàng cũng được đưa ra, đặc biệt là chính sách giúp giảm thiểu áp lực hệ thống trong điều kiện hoạt động và nền kinh tế "không được như bình thường".
Cụ thể, trong Chương trình này, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Như vậy, với quyết định này, lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có định hướng được lùi lại.
Trước đó, tháng 8/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019. Theo đó, từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được áp dụng 40%; từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%; từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 01/10/2023 là 30%.
Như vậy, với định hướng trên, dự kiến giới hạn này sẽ chưa bị siết lại từ 37% về 34% và xuống 30% thời gian tới.
Định hướng giữ ổn định tỷ lệ hiện nay trên đặt trong bối cảnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng gia tăng trong cơ cấu huy động của nhiều ngân hàng thương mại, nhiều nhà băng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức cao. Theo đó, cân đối nguồn và hoạt động cho vay của hệ thống sẽ giảm bớt áp lực trong khi nhu cầu tín dụng trung và dài hạn trong nền kinh tế vẫn lớn.
Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng mua nhà, mua xe, với đặc điểm kỳ hạn vay dài, cũng sẽ bớt áp lực hơn...
Bên cạnh quyết định trên, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới ban hành, Chính phủ cũng chỉ đạo tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Cùng đó, Chính phủ định hướng tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Điều kiện hỗ trợ là thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bizlive