MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng ở Trung Quốc bỗng sụp đổ vì khoản vay 22 tỷ USD của một vị tỷ phú

05-08-2020 - 19:45 PM | Tài chính quốc tế

Baoshang Bank – một bộ phận chủ chốt thuộc đế chế kinh doanh của tỷ phú Xiao Jianhua, đã sụp đổ khi cổ đông lớn của Tomorrow không thể thanh toán khoản nợ hàng tỷ CNY.

Theo SCMP, tập đoàn này đã đi vay trái phép 156 tỷ CNY (22,3 tỷ USD) từ Ngân hàng Baoshang – được chính phủ tiếp quản vào năm ngoái. Khoản vay này được thực hiện dưới dạng 347 khoản vay cho 209 công ty "vỏ bọc" từ năm 2005 đến năm 2019, theo Zhou Xuedong – trưởng bộ phận tiếp quản tại NHTW Trung Quốc, viết trong ấn phẩm mới nhất của China Finance.

Cả Ngân hàng Baoshang và Tomorrow Group đều được điều hành bởi Xiao. Người này được cho là đang trong thời gian chờ đợi xét xử vì tội nhận hối lộ và thao túng giá cổ phiếu. Tomorrow Group nắm giữ 89% cổ phần trong Ngân hàng Baoshang – đây là một cơ cấu cổ phần độc quyền làm gia tăng nguy cơ quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Vào thời kỳ hoàng kim, Tomorrow Group đã sở hữu cổ phần tại 44 định chế tài chính từ ngân hàng, các công ty môi giới cho đến các công ty quản lý quỹ và ủy thác, với tổng giá trị ước tính lên đến 3 nghìn tỷ CNY. Thông qua mạng lưới quy mô lớn của các công ty mà họ kiểm soát, Xiao đã tạo ra nhiều tầng sản phẩm quản lý tài sản, thu lời từ giao dịch chênh lệch (arbitrages), chuyển lợi ích cho các chi nhánh khác và tài trợ cho những ngành khác.

Hoạt động kinh doanh được mở rộng một cách không kiểm soát như vậy đã đi đến kết thúc khi các nhà quản lý tăng cường nỗ lực, nhằm siết chặt đòn bẩy tài chính để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Baoshang chỉ là một ví dụ về cách Xiao và Tomorrow Group sử dụng các khoản vay để dễ dàng có được nguồn vốn, tạo ra những rủi ro tiềm ẩn. Ngân hàng này chủ yếu dựa vào các khoản vay đắt đỏ từ thị trường liên ngân hàng, để rót vốn cho hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo của ngành, hoạt động đi vay từ các định chế tài chính chiếm gần 30% tài sản của nhóm này vào nửa đầu năm 2017, tăng 12 điểm phần trăm so với cuối năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ tiền gửi giảm 15 điểm phần trăm xuống còn 43%.

Zhou viết trên trang tạp chí, các cổ đông đã can thiệp vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của Baoshang, khiến ngân hàng này khó khăn trong việc kiểm soát rủi ro và thao túng các cuộc họp cổ đông. Ông cho biết thêm: "Sự sụp đổ của Ngân hàng Baoshang không chỉ bị gây ra bởi một người hay diễn ra chỉ qua một đêm. Hơn cả sự thất bại trong kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp tồi tệ cũng là một nguyên nhân lớn."

Ông nói thêm, cấu trúc cổ đông đa dạng, tăng cường sự giám sát từ bên ngoài và công khai thông tin là điều rất quan trọng để cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại và tính minh bạch.

Tháng 1/2017, Xiao đã rời Hồng Kông đến Trung Quốc đại lục để phục vụ cho hoạt động điều tra của chính quyền. Kể từ đó, ông cũng không xuất hiện trước công chúng.

Ngân hàng Baoshang là nhà băng đầu tiên của Trung Quốc được chính phủ tiếp quản trong 2 thập kỷ vừa qua, khi ngân hàng này vỡ nợ bởi Tomorrow Group và các chi nhánh không thể thanh toán cả gốc lẫn lãi cho các khoản vay. Hồi tháng 4, Ngân hàng Mengshang – nhà cho vay được chính phủ thành lập, và Huishang đã tiếp quản toàn bộ tài sản của Ngân hàng Baoshang.

SCMP cho hay, Ngân hàng Baoshang từng là một trong những thành phần quan trọng trong đế chế kinh doanh của Xiao – người nắm giữ cổ phần trong hàng trăm công ty niêm yết tại đại lục thông qua hoạt động ủy quyền, từ các ngành năng lượng, dịch vụ tài chính, công nghệ cho đến bất động sản.

Sau khi tiếp quản Baoshang, các nhà quản lý cũng thâu tóm 2 nhà băng khác là Ngân hàng Hengfeng và Jinzhou vào tháng 8 năm ngoái. Cả 3 ngân hàng này đều vỡ nợ và từng được Xiao kiểm soát.

Áp lực đối với các khoản nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc có thể trở nên chồng chất hơn do nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, theo Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc. Ngoài ra, hoạt động quản trị doanh nghiệp yếu kém của một số định chế tài chính vừa và nhỏ cũng có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng cho ngành này.

Báo cáo của Hiệp hội cho biết, trong nửa đầu năm nay, các khoản nợ xấu chưa được giải quyết tại các ngân hàng Trung Quốc đạt mức 3,6 nghìn tỷ CNY, tăng 400,4 tỷ từ đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu là 2,1%.

Tham khảo SCMP

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên