Ngân hàng rầm rộ phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, có gì khác so với gửi tiết kiệm thông thường?
Chứng chỉ tiền gửi không được phát hành thường xuyên quanh năm mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng. Thời gian gần đây, sản phẩm này lại được nhiều ngân hàng phát hành rầm rộ hơn.
- 05-10-2022Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất cơ sở, người vay mua nhà như “ngồi trên đống lửa”
- 05-10-2022Khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới thu hẹp mạnh
- 05-10-2022Những căn nguyên của triệu chứng “cơn sốt” lãi suất
Khi cuộc đua huy động vốn nóng lên, các ngân hàng thường tung ra chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn nhiều so với sản phẩm tiền gửi thông thường để thu hút khách hàng. Còn nhớ cách đây 3 năm, hàng loạt ngân hàng đã áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi tới trên 9%/năm.
Và đến thời gian gần đây, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cũng được nhiều ngân hàng phát hành rầm rộ trở lại. Lãi suất của loại hình huy động vốn này cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường.
Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) mới đây ông bố chứng chỉ tiền gửi lên mức 8,4%/năm, áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi 18 tháng. Ngoài ra, những kỳ hạn khác cũng có mức lãi suất khá cao như 6 tháng là 7,5%/năm, 9 tháng là 7,8%, 12 tháng lên 8% và 15 tháng lên 8,2%. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay.
Chương trình chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng Bản Việt có mức tiền từ 10 triệu đồng trở lên. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, bất cứ lúc nào.
Tại SeABank, ngân hàng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất 7,85% (kỳ hạn 36 tháng) và 7,7%/năm (kỳ hạn 24 tháng). Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng. Trong khi với gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất tại SeABank chỉ ở mức 7,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của SeABank được cố định trong suốt kỳ hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ hàng năm cho khách hàng. Khách hàng sở hữu chứng chỉ tiền gửi có quyền thanh toán trước hạn, vay cầm cố, chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho theo quy định của pháp luật. Sau 12 tháng, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng được quyền cầm cố thế chấp chứng chỉ tiền gửi tại SeABank với lãi suất vay ưu đãi.
Techcombank cũng đang có sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc, áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm. Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường của Techcombank (6,2%/năm). Để tham gia sản phẩm này, khách hàng cần gửi từ 100 triệu đồng trở lên. Lãi suất khi rút trước hạn đối với sản phẩm này cũng cao hơn so với tiền gửi không kỳ hạn.
Sacombank thì từ hồi tháng 7 đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức, triển khai từ tháng 7 cho đến hết năm 2022. Theo đó, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (84 tháng) sẽ nhận mức lãi suất hấp dẫn lên đến 7,33% trong năm đầu tiên, lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Ngân hàng cho biết khách hàng có thể linh hoạt chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi bất cứ lúc nào và có thể thế chấp khi có nhu cầu vay cầm cố chứng chỉ tiền gửi.
Về bản chất, cả chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi có kỳ hạn đều là sản phẩm huy động vốn của ngân hàng, giúp khách hàng sinh lời khi gửi một khoản tiền với thời gian và lãi suất cố định.
Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ là hình thức phổ biến nhất hiện nay, được tất cả các ngân hàng áp dụng để huy động nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng. Kỳ hạn đa dạng từ 1 tuần đến 48 tháng hoặc dài hơn.
Còn với chứng chỉ tiền gửi, về bản chất là một loại giấy tờ có giá tương tự như sổ tiết kiệm, được ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Tuy nhiên chứng chỉ tiền gửi không được phát hành thường xuyên quanh năm mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng. Chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ có được phát hành với một số kỳ hạn và thường là kỳ hạn.
Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh, đi kèm một số điều kiện chặt chẽ hơn. Ngân hàng sẽ có quy định về số tiền tham gia chứng chỉ tiền gửi tối thiểu. Đồng thời, việc tất toán, rút tiền trước hạn đối với sản phẩm này cũng có những quy định cụ thể, tùy ngân hàng.
Nhìn chung, dù là chứng chỉ tiền gửi hay gửi tiền có kỳ hạn đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu người gửi tiền quan tâm nhiều đến lãi suất, có khoản tiền có thể gửi dài hạn thì chứng chỉ tiền gửi là sự lựa chọn tốt hơn. Còn nếu khoản tiền không cố định và muốn dự phòng trường hợp rút trước hạn thì nên chọn gửi tiết kiệm.
Nhịp sống thị trường