MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng rút tiền mạnh

24-04-2020 - 14:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Tổng giá trị khoản tiền gửi tại NHNH, tiền gửi và cho vay tại TCTD khác trên báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng giảm 30- 60%. Nhiều nhà băng tăng trưởng tiền gửi chậm hơn cho vay. Dịch Covid-19 tác động đến cả đầu ra tín dụng và đầu vào tiền gửi của các ngân hàng. Ngân hàng sẵn sàng thanh khoản cho các gói vay chục nghìn tỷ đồng.

Trong quý đầu tiên, nhiều ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở tổng giá trị khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi tại và cho vay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trong phần tài sản trên báo cáo tài chính. Phần lớn khoản mục này tại các nhà băng đều thấp hơn trên 30% so với đầu năm. 

SeABank là đơn vị ghi nhận lượng giảm lớn nhất với gần 57% sau 3 tháng, còn 18.243 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác giảm 34% và tiền gửi tại NHNN giảm 52%. VPBank xếp thứ hai, giảm gần 56% ở khoản trên, xuống mức 14.763 tỷ đồng, chủ yếu do giảm tại giá trị tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác gần 34%, tương đương hơn 6.700 tỷ đồng.

Vietcombank, ngân hàng có tổng giá trị tiền gửi và cho vay tại NHNN và TCTD khác lớn nhất trong số các đơn vị công bố báo cáo, cũng báo giảm gần 55% ở khoản mục này xuống 193.135 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác giảm 29%, tương đương gần 73.000 tỷ đồng và tiền gửi tại NHNN giảm 52% xuống 16.595 tỷ đồng.

Ngân hàng rút tiền mạnh - Ảnh 1.

Thay đổi tổng tiền gửi tại NHNN, các TCTD khác và cho vay các TCTD khác của mỗi ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Trong nhóm dưới, các nhà băng như VietBank, Kienlongbank và ACB báo giảm 29-36%. VIB, Sacombank thấp hơn 8-10% so với đầu năm.3 ngân hàng khác cũng giảm 40% bao gồm NamABank, LienVietPostBank và TPBank. Riêng LienVietPostBank ghi nhận giảm cả ở tiền gửi NHNN và tiền gửi cho vay tại TCTD khác lần lượt 49% và 22%. Trong khi đó, NamABank và TPBank báo giảm ở tiền gửi tại NHNN lần lượt 46% và 58%, nhưng vẫn ghi tăng ở tiền gửi và cho vay các TCTD khác 13% và 14%.

Ở chiều ngược lại, khoản tiền gửi và cho vay các TCTD khác trong phần nợ phải trả của nhiều ngân hàng cũng biến động. Vietcombank, LienVietPostBank và SeABank dẫn đầu khi giảm 40% lần lượt còn 43.642 tỷ đồng, 10.415 tỷ đồng và 19.100 tỷ đồng.

Ở nhóm dưới, ACB, Vietbank và NamABank báo giảm 20-30%.  

Ngân hàng rút tiền mạnh - Ảnh 2.

Giá trị tiền gửi và vay các TCTD khác. Đơn vị: tỷ đồng, %


5 ngân hàng vẫn ghi nhận tăng ở khoản mục trên, trong đó Kienlongbank, Sacombank tăng 4-9%. Nhóm VIB, VPBank và TPBank tăng 23-27%, chủ yếu do nhóm này tăng vay tiền tại các nhà băng khác. Trong đó, VPBank tăng vay từ các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng khác gần 13.600 tỷ đồng, tương đương 35%.

Cân đối thanh khoản

Theo số liệu của NHNN, tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng đến cuối tháng 2 ở mức 10,67 triệu tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng hơn 3,9%, ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 4,8%, xuống mức 3,77 triệu tỷ đồng, tương đương giảm hơn 190.000 tỷ đồng. Mức này lớn hơn so với con số 2,87% của cùng kỳ năm 2019.

Theo Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI – SSI Research, tiền gửi của các tổ chức kinh tế luôn sụt giảm trong tháng 2 hàng năm do nhu cầu thanh toán và chi dùng dịp tết Nguyên Đán và thường được bù đắp bởi mức tăng trưởng tiền gửi cao hơn từ dân cư.

Ngân hàng rút tiền mạnh - Ảnh 3.

Thay đổi tiền gửi của tổ chức kinh tế và người dân năm 2019. Nguồn: NHNN. Đơn vị: %


Trong năm trước, lượng tăng thêm của tiền gửi từ dân cư tại cuối tháng 2 cao hơn lượng sụt giảm tiền gửi các tổ chức kinh tế khoảng hơn 80.000 tỷ đồng. Nhưng năm nay, lượng tăng thêm của tiền gửi dân cư thấp hơn mức giảm tiền gửi tổ chức kinh tế khoảng 3.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế suy giảm do dịch Covid-19 không chỉ làm giảm đầu ra tín dụng mà cả đầu vào tiền gửi cũng bị tác động tiêu cực.

Tại nhiều ngân hàng, tăng trưởng tiền gửi 3 tháng đầu năm thấp hơn cho vay. Đây có thể là nguyên nhân cho động thái giảm khoản tiền gửi tại và cho vay các TCTD khác của các ngân hàng, nhằm đảm bảo thanh khoản do tác động của dịch Covid-19 đến dòng tiền.

Đơn cử TPBank dẫn đầu về mức chênh lệch tăng trưởng dư nợ và tiền gửi, khi cho vay khách hàng tăng gần 5% trong quý I, đạt 99.076 tỷ đồng nhưng tiền gửi giảm 3%, còn 89.686 tỷ đồng.

VIB cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng 4% lên 133.467 tỷ đồng, trong khi tiền gửi chỉ cao hơn gần 1% so với đầu năm, ở mức 123.195 tỷ đồng.

Sacombank, VPBank có diễn biến tương tự khi tăng trưởng cho vay đạt 3,5% và 2,6%, trong khi tiền gửi chỉ tăng 1,2% và 0,8%. Đây cũng là những ngân hàng ghi nhận tăng vay các TCTD khác.

Báo cáo chiến lược quý II, Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức cấp tín dụng thấp trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy giảm. Cơ quan này cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và TCTD khoảng 10,1% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 13% đầu năm đặt ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngân hàng rút tiền mạnh - Ảnh 4.

Mặt khác, các ngân hàng đang công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với quy mô, chục nghìn, trăm nghìn tỷ đồng. Để sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn giải ngân, mỗi nhà băng sẽ cần chuẩn bị tốt thanh khoản và nguồn tiền cho thị trường.

Theo Lê Hải

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên