MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tăng tốc ‘trợ sức’ doanh nghiệp trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư

02-07-2021 - 10:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tăng tốc ‘trợ sức’ doanh nghiệp trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư

Tiếp nối các gói hỗ trợ trong năm ngoái, các nhà băng bắt đầu đưa ra nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. Dù vậy, trước tình hình khó khăn mới trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư này, nhiều ngân hàng cũng phải xoay xở theo thị trường để có thể trợ sức “trúng và đủ”.

Kịp thời chung tay, góp sức

Sức bật tăng trưởng trong năm nay đang phục hồi đáng kể, khi nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng tính đến 15/6 đã đạt 5,1%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ là 2,26%. Thế nhưng, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình kinh tế đang dần bộc lộ những khó khăn.

Trong bối cảnh này, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Là một trong các ngân hàng có các chương trình hành động kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp từ 2020, năm nay Ngân hàng Bản Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ với tổng quy mô 9.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) . Theo đó, lãi suất ưu đãi giảm đến 2% với các thủ tục phê duyệt đơn giản hơn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để doanh nghiệp sớm tiếp cận được với dòng tiền.

Có thể thấy các tổ chức tín dụng đang tăng tốc hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước(NHNN) gần đây tiếp tục kêu gọi các đơn vị trong ngành chung sức giúp đỡ, nỗ lực cắt giảm chi phí để dồn sức hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và cho cả hoạt động chống dịch Covid-19 nói riêng.

Theo đánh giá của NHNN, từ đầu năm ngoái đến nay, các tổ chức tín dụng đã tích cực vào cuộc, triển khai những đợt hỗ trợ khách hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Kết quả, tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng. Doanh số lũy kế cho vay mới với lãi suất thấp (thấp hơn so với trước dịch) từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,5 triệu tỉ đồng với hơn 480.000 khách hàng.

Hiểu khách hàng để hỗ trợ "trúng và đủ"

Thống kê của cơ quan quản lý cho thấy với nhiều giải pháp điều hành đồng bộ, mặt bằng lãi suất cho vay trong tháng 4 năm nay tiếp tục giảm khoảng 0,3%/năm so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức lãi suất thấp.

Mức lãi suất này được nhiều tổ chức đánh giá là phù hợp để vay vốn cho dự án đầu tư, nhưng nhu cầu tín dụng vẫn chưa thực sự phục hồi. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó không chỉ vì lãi suất, mà "vướng" vào nhiều vấn đề khác nhau của từng ngành, từng trường hợp cụ thể.

Do đó, để hỗ trợ "trúng và đủ" cho khách hàng, các ngân hàng tập trung tìm hiểu vấn đề riêng của từng khách hàng, chứ không đơn thuần là vấn đề lãi suất.

Đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết các mong muốn, chia sẻ và khó khăn của khách hàng sẽ được các đơn vị, chi nhánh cập nhật liên tục và gửi lên hệ thống. Sau đó, các vấn đề sẽ được mổ xẻ chi tiết, chia thành từng nhóm khách hàng khác nhau theo mức độ ảnh hưởng (ảnh hưởng nhẹ, vừa hoặc nặng) để có phương án giải quyết phù hợp. Các phương án này có thể là giảm lãi suất vay từ 1-2% theo nhóm khách hàng khác nhau, cũng có thể xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm phí hay giảm lãi,… tùy trường hợp.

Trên thực tế vào hồi tháng 3 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 03, thay thế cho Thông tư 01 vào năm ngoái, cho phép các ngân hàng linh hoạt "tiếp sức" cho doanh nghiệp theo khung quy định. Tuy nhiên, việc xem xét để hỗ trợ khách hàng luôn được các ngân hàng nhấn mạnh là phải tuân thủ theo các quy định của ngành vì rủi ro nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19 cũng phải gắn liền với yếu tố thị trường. Điển hình như câu chuyện của ngành xây dựng, hiện đang đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Một số nhà thầu xây dựng gặp khó khi đã ký hợp đồng theo giá cũ, hoặc các dự án có nguy cơ không thể triển khai được do chi phí tăng cao.

Nắm bắt "nhịp đập" thị trường, Ngân hàng Bản Việt mới đây đưa ra chương trình hỗ trợ đặc biệt cho nhóm doanh nghiệp xây dựng, với các phương án tài chính như giảm lãi suất cho vay (gói vay chỉ từ 7,5%/năm), giảm phí bảo lãnh lên đến 50% và giảm thêm nhiều loại phí khác nhau.

Ngoài việc khởi động chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp giảm các chi phí tài chính như giảm lãi suất hay phí, Ngân hàng Bản Việt còn chú trọng cung cấp gói sản phẩm dạng "all in one", không chỉ có vay mà còn nhiều dịch vụ ưu đãi cho khách hàng trong thời kỳ Covid-19. Chẳng hạn như gói tài khoản 0 đồng (V_paroll, V_AccountOne hay V_Combo) giúp các doanh nghiệp được hưởng dịch vụ tốt nhất mà không phải đóng phí duy trì hay các phí dịch vụ tài khoản nào khác.

Nhìn về dài hạn, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cả các khách hàng phải đến từ việc giảm chi phí giao dịch với các trung gian tài chính. Chi phí bao hàm nghĩa rộng lớn hơn là chi phí thời gian, thủ tục, giấy tờ chứ không chỉ đơn thuần là các loại phí giao dịch.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên