MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tham gia đấu thầu TPCP sẽ phải mua nhiều hơn

20-12-2016 - 20:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu như trước đây nghĩa vụ mua trái phiếu Chính phủ tối thiểu là 3.000 tỷ đối với chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và 4.300 tỷ đối với ngân hàng khác thì con số này đã tăng lên 4.500 tỷ áp dụng chung với các thành viên đấu thầu là ngân hàng.

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Dự thảo quyết định về nghĩa vụ và quyền lợi và các tiêu chí đánh giá xếp hạng của thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2017 trong kỳ đánh giá từ ngày 1/11/2016 - 31/10/2017.

Như quy định tại Thông tư 115/2015/TT-BTC Thành viên đấu thầu có các quyền lợi là đối tượng duy nhất được tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương theo phương thức đấu thầu.

Thành viên đấu thầu cũng được tham gia đấu thầu để mua trái phiếu cho chính mình hoặc mua cho khách hàng; được Kho bạc Nhà nước ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh; được Kho bạc Nhà nước ưu tiên lựa chọn làm đại lý đối với các đợt phát hành trái phiếu theo phương thức đại lý; được tham gia trao đổi định kỳ với Bộ Tài chính về công tác phát hành trái phiếu và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu; có thể được đăng ký mua thêm trái phiếu ngay sau phiên đấu thầu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, để tham gia "cuộc chơi" trái phiếu Chính phủ, thành viên đấu thầu cần hoàn thành khá nhiều nghĩa vụ về số phiên tham gia đấu thầu, khối lượng tham gia đấu thầu, yết giá chào mua/ chào bán, báo cáo,...

Về nghĩa vụ khối lượng mua trái phiếu Chính phủ, thành viên đấu thầu phải đảm bảo tối thiểu 70% nghĩa vụ mua tối thiểu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Các công ty chứng khoán là thành viên đấu thầu có nghĩa vụ mua tối thiểu 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tương đương khối lượng yêu cầu của năm trước. Tuy nhiên, nghĩa vụ khối lượng đối với thành viên đấu thầu là ngân hàng thương mại dự kiến tăng.

Trước đây, đối với chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng 100% vốn nước ngoài có nghĩa vụ mua tối thiểu 3.000 tỷ đồng, còn đối với NHTM Nhà nước, NHTM Cổ phần, Ngân hàng liên doanh và Ngân hàng 100% vốn nước ngoài có nghĩa vụ mua tối thiểu 4.300 tỷ đồng.

Theo kế hoạch hiện tại, nghĩa vụ mua áp dụng với thành viên đấu thầu là ngân hàng đã tăng lên 4.500 tỷ đồng.

Còn lại về cơ bản, không có nhiều thay đổi về nghĩa vụ đối với thành viên đấu thầu so với năm trước. Theo đó, các thành viên đấu thầu cần tham gia tối thiểu 60% số phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Việc đặt mức lãi suất khi tham gia đấu thầu cũng được yêu cầu phải đảm bảo số phiên dự thầu với mức lãi suất hợp lý chiếm 95% tổng số phiên dự thầu.

Mức lãi suất hợp lý được định nghĩa là lãi suất không vượt quá mức lãi suất trúng thầu trái phiếu/tín phiếu tại phiên phát hành cộng (+) biên độ 150 điểm cơ bản nếu phiên đấu thầu trái phiếu có thành viên trúng thầu; hoặc lãi suất hợp lý là mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất bình quân gia quyền của tất cả các mức lãi suất dự thầu tại phiên đấu thầu cộng (+) biên độ 150 điểm cơ bản phiên đấu thầu trái phiếu không có thành viên trúng thầu.

Thành viên có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua trái phiếu Chính phủ, chỉ được phép chậm tiền mua do các yếu tố khách quan tối đa không quá 02 lần trong kỳ đánh giá. Đồng thời, thành viên đấu thầu được yết giá chào mua/chào bán trên hệ thống Đường cong lợi suất ít nhất 65% số phiên và thực hiện báo cáo theo định kỳ quý và năm.

Dự kiến, số lượng thành viên đấu thầu năm 2016 sẽ giảm từ 24 thành viên xuống 22 thành viên.

Theo quy định của Thông tư 06/2016 thay thế cho Thông tư 36 đã nâng tỷ lệ mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước % lên 25%, trong khi trước đó các tỷ lệ này chỉ là 15%. Thông tư 06 có hiệu lực đã giúp sức cầu mua TPCP tăng lên, đồng thời cũng là một trong các nguyên nhân giúp TPCP hấp dẫn hơn trong năm qua.

Theo Thanh Thủy

NDH

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên