Ngân hàng thanh toán quốc tế kêu gọi các NHTW trên toàn cầu đừng "làm ngơ" trước bitcoin
BIS cho rằng các định chế tài chính cần nghiêm túc nghiên cứu không chỉ về tính riêng tư và hiệu quả của hệ thống thanh toán dựa trên tiền số, mà còn là những tác động đối với kinh tế, tài chính và chính sách tiền tệ.
- 17-09-2017JPMorgan vừa mới đầu tư một lượng tiền lớn vào bitcoin ngay sau bình luận chê bai của CEO?
- 16-09-2017Quên mốc 3.000 USD đi, 2.877 USD mới là ngưỡng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với bitcoin
- 16-09-2017Vì sao các ngân hàng lớn đồng loạt “tấn công” bitcoin?
- 16-09-2017CEO của JPMorgan bị cộng đồng tiền ảo chỉ trích không thương tiếc sau khi “nói xấu” Bitcoin
Các Ngân hàng trung ương thế giới không thể ngồi đó và lờ đi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của tiền số trong khi nó có thể là nguồn rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Đó chính là lập luận cứng rắn của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) trong báo cáo quý vừa mới được phát hành gần đây. Phía này cho biết các ngân hàng trung ương trên thế giới cần đánh giá liệu việc phát hành tiền số có phải là hành động cần thiết và chúng nên có những đặc tính gì, cho dù trọng trách lớn nhất trong việc này thuộc về ngân hàng trung ương của các quốc gia ít sử dụng tiền mặt như Thụy Điển.
BIS cho rằng các định chế tài chính cần nghiêm túc nghiên cứu không chỉ về tính riêng tư và hiệu quả của hệ thống thanh toán dựa trên tiền số, mà còn là những tác động đối với hệ thống kinh tế, tài chính và chính sách tiền tệ.
Báo cáo của BIS được đưa ra vào đúng thời điểm thị trường tiền số vừa kết thúc một tuần đầy biến động với nhận định tiêu cực của CEO JPMorgan Chase khi cho rằng bitcoin chỉ là một trò lừa đảo và động thái siết chặt hoạt động giao dịch tiền số trong nước của chính phủ Trung Quốc.
Trong khi bitcoin và nhiều đồng tiền số khác đang ngày càng phổ biến và thu hút được nhiều nhà đầu tư, một số ngân hàng trung ương đang bắt đầu nghiên cứu sâu về tiền số và blockchain - công nghệ hứa hẹn sẽ gia tăng tốc độ thanh toán và bù trừ trong hệ thống ngân hàng. Thống đốc NHTW Anh Mark Carney cho biết tiền số sẽ là một phần của "cuộc cách mạng" tiềm năng trong ngành tài chính.
Để hiểu rõ hơn về hệ thống này, ngân hàng trung ương Hà Lan đã tạo ra đồng tiền số của riêng mình, mặc dù chỉ được sử dụng trong nội bộ. Giới chức Mỹ cũng đang để mắt tới blockchain, mặc dù trong tháng 3 chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng có một số "vấn đề chính sách quan trọng" cần được nghiên cứu thêm bao gồm khả năng bị tấn công mạng, tính chất riêng tư và giả mạo.
Theo BIS, các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể chọn một đồng tiền mà công chúng có thể sử dụng nhưng chỉ ngân hàng trung ương mới có khả năng phát hành những đơn vị có thể chuyển đổi trực tiếp thành tiền mặt và tài sản dự trữ. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng có thể gặp một số rủi ro và nguy cơ tiền bị rút ra ồ ạt có thể tăng lên hay các ngân hàng thương mại có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền gửi. Ngoài ra tính chất riêng tư của tiền số cũng là một vấn đề cần giải quyết.
Sự tồn tại của hệ thống tiền số (theo Panos Mourdoukoutas - tác giả của cuốn 10 nguyên tắc vàng trong lãnh đạo) có thể làm lu mờ vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Đó chính là lý do tại sao các ngân hàng trung ương muốn kìm chế sự nổi dậy của bitcoin và tiền số nói chung theo nhiều cách khác nhau mà lờ đi cũng là một lựa chọn.