MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới: Bất bình đẳng giới thị trường lao động Việt Nam là ở chất lượng việc làm

Ngân hàng Thế giới: Bất bình đẳng giới thị trường lao động Việt Nam là ở chất lượng việc làm

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam ở mức cao, đạt 73,2% năm 2018. Song thực tế vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể giữa việc phân bổ việc làm theo ngành và lĩnh vực...

Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo "Nhận thức về bất bình đẳng giới tại thị trường lao động Việt Nam". Theo đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế và xã hội kể từ công cuộc cải cách kinh tế năm 1986.

Một số thành tựu cụ thể như từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2015. Tỉ lệ nghèo giảm nhanh. Tỷ lệ dân số sống dưới mức 1,90$/ngày giảm từ 50% đầu thập niên 1990 xuống còn 3% năm 2016 (IBRD và MPI, 2016).

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Thành tựu giảm nghèo chưa bền vững, đặc biệt ở khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số. Tăng trưởng năng suất lao động vẫn duy trì ở mức cao trong toàn bộ nền kinh tế và trong các ngành nhưng trong nông nghiệp thấp hơn so với hầu hết các nước trong cùng nhóm thu nhập trung bình.

Đáng chú ý, bức tranh tổng thể về việc làm tích cực vẫn tiềm ẩn những vấn đề nghiêm trọng. Việc tự làm phi chính thức vẫn phổ biến, với gần 60% lao động làm chủ các hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Ngoài ra, việc làm của nam và nữ có sự khác biệt: trong khi lao động nữ tuổi từ 15 - 24 làm việc trong khu vực chính thức nhiều hơn nam, họ cảm thấy rất khó tìm được việc làm trong khu vực chính thức khi tái gia nhập thị trường lao động sau thời gian nghỉ việc để chăm lo cho gia đình.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam được thế giới công nhận đã có nhiều thành tựu đáng kể trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Những thành tựu này gồm xây dựng và ban hành các luật thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới, và Việt Nam cũng giảm bất bình đẳng giới nhanh hơn hầu hết các nước đang phát triển trong 20 năm qua (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, 2018).

Việt Nam cũng đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tương đối cao ở cả nam và nữ: trung bình 76,2% so với 63% của Hàn Quốc và 66,7% của Indonesia. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam ở mức cao, đạt 73,2% (theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 2018), khẳng định tầm quan trọng của việc tham gia lực lượng lao động của phụ nữ.

Ngân hàng Thế giới: Bất bình đẳng giới thị trường lao động Việt Nam là ở chất lượng việc làm - Ảnh 1.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam. Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2018

Như vậy, thách thức liên quan tới bất bình đẳng giới trên thị trường lao động không phải là vấn đề tham gia làm việc, mà là vấn đề chất lượng việc làm. Theo báo cáo, còn tồn tại khoảng cách giới đáng kể trong việc phân bổ việc làm theo ngành và lĩnh vực, theo khu vực địa lý, giữa các nhóm dân tộc và giữa các tầng lớp xã hội. Mặc dù Bộ Luật Lao động quy định doanh nghiệp phải thực hiện các chính sách bình đẳng giới với người lao động, nhưng bằng chứng cho thấy thực tế không diễn ra như Luật định. 

Trong khi đó, tình trạng chênh lệch tiền lương theo giới còn phổ biến, lao động nữ có thu nhập thấp hơn nam ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề. Năm 2015, thu nhập của lao động nữ thấp hơn 10% so với nam; mức chênh lệch lương tăng lên 12% khi so sánh nam và nữ cùng trình độ học vấn trong cùng ngành.

Theo số liệu phân tích, lao động nữ kiếm được ít hơn nam 3 triệu đồng/năm (khoảng 129 USD) - tức là gần một tháng thu nhập vào năm 2018. Dù nữ giới có trình độ học vấn cao, nhưng lao động nữ vẫn có xu hướng tập trung vào các ngành sản xuất trả lương thấp hơn, trong ngành may mặc và giày dép; trong ngành dịch vụ, như thương mại, nhà hàng, khách sạn; trong lĩnh vực giáo dục, và giúp việc gia đình.

Ngân hàng Thế giới: Bất bình đẳng giới thị trường lao động Việt Nam là ở chất lượng việc làm - Ảnh 2.

Chênh lệch tiền lương theo giới

Theo Khảo sát Lực lượng Lao động Việt Nam năm 2014, trong khi dưới 25% người lao động có trình độ trung học cơ sở có hợp đồng lao động thì hơn 80% người lao động có trình độ đại học hoặc cao đẳng có hợp đồng. Lao động dân tộc thiểu số thường có trình độ học vấn thấp hơn và do đó làm việc trong những điều kiện kém hơn.

Trong số thanh niên từ 20 đến 35 tuổi có trình độ học vấn cao, nam có việc làm có tay nghề chuyên môn nhiều hơn nữ mặc dù nữ có nguyện vọng nghề nghiệp giống hoặc thậm chí cao hơn nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách giới và xóa bỏ các chuẩn mực giới trong thị trường lao động khi chính thị trường lao động đang thay đổi, và các em gái có thể sẽ mất thêm các cơ hội có được các kỹ năng cần thiết.

Báo cáo kết luận, kỹ năng và động lực lao động phải được phân tích trong bối cảnh các chuẩn mực xã hội. Chính những nhận thức xã hội của nam và nữ gây ra bất bình đẳng, không phải vì họ là nam hay nữ. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm rất quan trọng trong việc xác định cấu trúc công việc trên nguyên tắc bình đẳng giới trong cả chính sách về thị trường lao động cũng như chính sách gia đình.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên