Ngân hàng Thế giới chuyển hướng chiến lược trong việc hỗ trợ Việt Nam
Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới vừa thảo luận và thông qua Khung đối tác quốc gia mới với Việt Nam. Theo đó, ngoài việc thông qua khung đối tác quốc gia mới, WB còn phê duyệt khoản vay trị giá 358 triệu USD cho Việt Nam.
- 14-04-2017WB: Kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ sức cầu trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu
- 28-03-2017WB muốn tăng tiền giải tỏa kênh dài nhất Sài Gòn
- 13-12-2016WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước
Theo đó, Khung đối tác quốc gia (CFP) mới đã đề ra những định hướng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và tốt nghiệp quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế —nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới.
Dựa trên các kết quả phân tích trong báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ và báo cáo Đánh giá Quốc gia Việt Nam 2016, CPF mới đã đề ra những chuyển hướng chiến lược, bao gồm:
Hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các ngành kinh tế; Phấn đấu đảm bảo bền vững tài chính các dịch vụ công và các chính sách xã hội; Hỗ trợ giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số nhờ các hoạt động tạo việc làm và thu nhập; Hỗ trợ đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động; và Thúc đẩy và khuyến khích sản xuất điện với mức phát thải các-bon thấp.
“Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa – bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân... nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi phải tinh chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai. Nhóm Ngân hàng Thế giới vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Cùng với Khung đối quốc gia mới, Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới cũng đã phê duyệt khoản vay trị giá 358 triệu USD để Việt nam thực hiện hai dự án mới.
Dự án thứ nhất là Mở rộng cải tạo đô thị (SUUP), vay vốn IDA trị giá 240 triệu USD. Dự án sẽ thực hiện cải tạo và nâng cấp hạ tầng và công tác quy hoạch đô thị tại các thành phố Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Tân An, Vị Thanh và Vĩnh Long. Khoảng 500,000 người dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dự án này và khoảng 1 triệu người khác được hưởng lợi gián tiếp nhờ cơ sở hạ tầng và môi trường được cải thiện.
Dự án thứ hai là Tái thiết khẩn cấp sau thảm hoạ (VENDRP) trị giá 118 triệu USD. Dự án sẽ khôi phục và cải tạo đường giao thông, cầu, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cấp nước và các công trình phòng chống thiên tai và giúp nâng cao năng lực cán bộ quản lý rủi ro thảm hoạ. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 1,2 triệu người và gián tiếp cho 5,1 triệu người khác tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Hà Tĩnh. Đây là những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt kéo dài trong năm 2016.