Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt 4,8%
Dự báo của WB xây dựng trên giả định kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý 3, để nền kinh tế bật lại vào quý 4.
- 28-09-2021Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ 'Evergrande' sang 'khủng hoảng điện': Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?
- 27-09-2021Chủ tịch Quốc hội: 'Doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì mà giãn, hoãn, giảm thuế?'
- 27-09-2021Reuters: Tập đoàn T&T chính thức đạt thỏa thuận mua vaccine Sputnik V
Ngày 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021. Đồng thời, từ năm 2022 trở đi, phục hồi sẽ trở về mức tăng trưởng GDP trước đại dịch, khoảng 6,5 đến 7%.
Đặc biệt, WB đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng này so với báo cáo công bố cách đây 1 tháng. WB lý giải, tính toán này dựa trên giả định là các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý 3/2021, để nền kinh tế bật lại vào quý 4. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc).
Dữ liệu: Ngân hàng Thế giới, Khối Nghèo và Công bằng, và Khối Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư.
Đồng thời, quá trình phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng, giúp 70% dân số trưởng thành được tiêm vaccine vào giữa năm 2022, ngăn ngừa các đợt dịch nghiêm trọng mới. Tuy nhiên, dự báo trên sẽ còn phụ thuộc vào những rủi ro theo hướng suy giảm, bao gồm dịch bùng phát dịch kéo dài, gây gián đoạn hoạt động kinh tế.
WB đánh giá, dù có khả năng chống chịu tốt, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng, bắt đầu từ tháng 4. Các biện pháp hạn chế nhằm dập tắt dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế vốn đã diễn ra mạnh mẽ trong nửa đầu năm.
Tháng 7, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ lần hai với quy mô 26.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng, tuy nhiên, tác động của gói hỗ trợ này sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương.
Liên quan đến các chính sách, World Bank cho hay, trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách tiền tệ và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ.
Trong khi đó, chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
WB nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các nguồn lực như gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng, nhất là nếu những rủi ro đó gia tăng.
Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và số hóa nhằm nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế. Khi thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ và cải thiện quá trình triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ bằng tiền.
Thực tế, gói hỗ trợ đợt hai cho các hộ gia đình của Chính phủ đã bổ sung thêm các nhóm lao động bị ảnh hưởng và số tiền hỗ trợ cho các cá nhân cũng cao hơn. Tuy nhiên, tần suất hỗ trợ bằng tiền hiện chỉ giới hạn ở hỗ trợ một lần thay vì hỗ trợ trong nhiều tháng như trong gói hỗ trợ đợt một vào tháng 4/2020.