Ngân hàng Thế giới: "Nước khác già mới giàu, Việt Nam chưa kịp giàu đã già"
Dân số Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ trẻ sang già, tốc độ già hoá này đang thuộc dạng nhanh nhất thế giới.
- 11-07-2016Vay WB 560 triệu USD phát triển đồng bằng sông Cửu Long
- 12-06-2016WB dành 310 triệu USD giúp Việt Nam chống chọi với biến đổi khí hậu
- 30-05-2016Giám đốc WB nói chìa khóa giúp Việt Nam 20 năm nữa có thu nhập như Hàn Quốc năm 2000
- 11-04-2016Là nền kinh tế triển vọng nhất Đông Nam Á, WB vẫn hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào phút chót
Đây là thông tin vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 19/7. Theo đó, dự báo số dân từ 65 tuổi tại Việt Nam sẽ tăng lên gấp 3 lần so với hiện tại, đạt 18,4 triệu người vào năm 2040.
“Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh trên thế giới, nhanh hơn bất cứ quốc gia nào, hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết.
Theo ông, tỉ trọng dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) đang ở mức tối đa, như vậy, tỉ trọng này sẽ giảm dần. Trong khi đó, nhóm người từ độ tuổi 65 trở lên sẽ tăng rất nhanh. Như vậy, có thể thấy dân số già sẽ tăng mạnh trong 30 – 40 năm nữa.
Sự già hoá này không diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng nếu so sánh với các nước khác thì đây là sự dịch chuyển rất nhanh chóng, ông Philip O’Keefe nhấn mạnh. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng Việt Nam không nên bi quan vì “tỉ trọng đang có sự thay đổi nhưng tổng số những người trong độ tuổi lao động Việt Nam vẫn còn ở mức tương đối ổn định và sẽ còn tăng trong 1 vài thập kỷ nữa".
Tuy nhiên, một điểm đáng thú vị ở đây, theo ông Philip O’Keefe là nếu nhìn vào lịch sử của các nước thì họ già khi đã giàu, còn Việt Nam thì ngược lại: dân số đang già hoá nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.
Khảo sát của WB cũng cho thấy tỉ lệ nghèo ở người già ở Việt Nam là rất cao so với tỉ lệ người trẻ và khi đối chiếu sang các nước khác, có thể nhận ra là tỉ lệ này “phẳng” hơn rất nhiều, không có sự chênh lệch lớn như ở Việt Nam.
"Già hoá dân số sẽ gây nên nhiều tác động về kinh tế, xã hội sâu rộng. Nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và toàn bộ người dân nói chung", ông Philip O’Keefe cho biết.
Do đó, đại diện WB đưa ra khuyến cáo về việc Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh nhanh chóng nhằm giảm nhẹ các tác động trên, như cần phải có các hành động chính sách liên quan đến thị trường lao động, hệ thống hưu trí, hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ dài hạn cũng như tăng tỉ suất sinh.