Ngân hàng thời hoàng kim: Cổ đông chán tiền mặt, muốn cổ tức bằng cổ phiếu?
Dự đoán về năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan. Do đó, thay vì như những năm trước cổ đông nhất quyết đòi cổ tức bằng tiền mặt thì nay nhiều người lại muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Kết thúc năm 2017, với việc các nhà băng lần lượt công bố kết quả kinh doanh lạc hơn so với mọi năm, quyết định trả cổ tức sẽ là một trong những nội dung được mong chờ nhất trong mùa Đại hội cổ đông vào tháng 3-tháng 4 năm nay.
Những năm trước, chuyện cổ đông "ấm ức", phản đối chia cổ tức bằng cổ phiếu và đòi tiền mặt không phải là chuyện hiếm. Lý do là vì giá cổ phiếu rẻ, thanh khoản thấp, đặc biệt là nhóm các ngân hàng chưa lên sàn, nhiều cổ phiếu ngân hàng thậm chí còn kém xa so với mệnh giá.
Sức ép đòi cổ tức tiền mặt không phải là nhỏ khi nhiều cổ đông đã chất vấn các lãnh đạo ngân hàng ở cuộc gặp gỡ duy nhất trong năm là đại hội cổ đông. Dù các ngân hàng giải thích rằng "cơm không ăn gạo còn đó", và việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, tạo lợi ích bền vững cho cả ngân hàng và cổ đông, nhưng rất nhiều người vẫn cảm thấy "không cam lòng".
Nhưng trong năm 2017, cổ phiếu ngân hàng đã "có màn trình diễn" ngoạn mục khi nhiều cổ phiếu tăng giá tính bằng lần, hầu hết các cổ phiếu tăng hàng chục phần trăm. Các ngân hàng là "tân binh" như VPB, HDB,...thu hút được không chỉ giới đầu tư trong nước mà còn lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, một số cổ phiếu ở nhóm dưới mệnh giá hồi đầu năm trước như SHB, EIB,... thì đến cuối năm cũng có sự bứt phá lên vùng 13.000 - 15.000 đồng.
Tiếp tục đà tăng đó, những ngày đầu năm 2018 cổ phiếu ngân hàng vẫn thăng hoa. Nhiều chuyên gia dự đoán nhóm cổ phiếu này vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường trong cả năm nay.
Chẳng hạn Công ty chứng khoán Bảo Việt (BSC) cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ khả quan trong năm 2018. Một loạt ngân hàng dự kiến lên sàn thời gian tới sẽ mang lại sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu ngành này. So với khu vực, mức định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng Việt Nam ở mức tương đối cao, trung vị P/E và P/B lần lượt là 20,62 lần và 1,54 lần trong khi chỉ số tương ứng ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương là 11,9 và 1 lần.
Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng một số cổ phiếu của ngân hàng sẽ hấp dẫn lên do đẩy nhanh được nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa ngân hàng theo hệ thống Basel II.
Trước những dự báo tích cực này, nhiều cổ đông lại bắt đầu mong ngóng được chia cổ tức bằng cổ phiếu vì với đà tăng giá hiện tại thì nhận thêm cổ phiếu sẽ có thể sẽ lợi hơn so với tiền mặt.
"Thanh khoản đang hấp dẫn, cổ phiếu ngân hàng có triển vọng khá sáng sủa nếu có được cổ phiếu với giá ưu đãi thì không còn gì bằng" - anh Nguyễn Hoàng Hải, một nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng lâu năm chia sẻ.
Trong khi đó theo chị Thu Huyền, đại diện cho một nhóm nhà đầu tư chuyên theo dõi các cổ phiếu trên OTC, thì nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn tới các cổ phiếu chưa niêm yết và muốn tăng sở hữu các cổ phiếu đó. "Có vài nhà đầu tư còn ủy quyền cho tôi đi dự họp lên phát biểu đề nghị ngân hàng năm nay chia cổ tức bằng cổ phiếu" - chị Huyền nói.
Về phía các ngân hàng, nếu như gánh nặng chia cổ phiếu bằng tiền mặt được giảm bớt, thay vào đó là chia bằng cổ phiếu thì họ cũng được "dễ thở" hơn vì giúp cho ngân hàng dễ tăng vốn điều lệ hơn trong bối cảnh áp lực về vốn đang ngày càng nặng theo các chuẩn và quy định của NHNN.