Ngân hàng thừa tiền, lãi suất tiếp tục giảm mạnh
Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào giúp lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, đồng thời cũng khiến nhiều ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất huy động thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, lãi suất huy động tiếp tục giảm một phần đến từ việc vốn huy động tăng lên.
- 07-09-2020Lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm mạnh xuống dưới 3%/năm
- 04-09-2020Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, lưu tâm vấn đề bong bóng tài sản tài chính
- 03-09-2020Tiền vẫn vào ngân hàng dù lãi suất thấp
Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần qua (31/8-4/9), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 2 tuần giảm lần lượt 0,02% và 0,19%, từ mức 0,18%/năm và 0,49%/năm xuống mức 0,16%/năm và 0,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng nhẹ 0,03% lên mức 0,26%/năm.
BVSC nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào giúp lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, đồng thời cũng khiến nhiều ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất huy động thời gian vừa qua. Lãi suất huy động có xu hướng giảm trong tháng 8 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng.
Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,05%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm mạnh nhất 0,23% và nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) tăng 0,18%.
Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động có xu hướng giảm ở nhóm Ngân hàng TMCP với mức giảm dao động từ 0,09% đến 0,27%. Ngược lại, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh lại tăng 0,2%.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm một phần đến từ việc vốn huy động tăng lên. Tính riêng tại TP.HCM, tính đến hết tháng 8, huy động vốn đạt hơn 2,66 triệu tỷ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó huy động vốn bằng VND chiếm 87%. Lượng tăng này chủ yếu đến từ tiền gửi thanh toán của tổ chức dân cư (tăng 6,27%) và phát hành giấy tờ có giá (tăng 19,44%) so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 4%. Tín dụng tăng chậm do chịu ảnh hưởng của dịch Covid bùng phát lại tại Việt Nam và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng khiến nhu cầu vay vốn, đầu tư bị giảm sút.