MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng vốn

10-09-2021 - 18:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc chủ động huy động vốn của nhiều ngân hàng thương mại được phản ánh rõ nét qua kênh trái phiếu khi trong hai tháng qua, các ngân hàng dồn dập phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Trái phiếu, cổ phiếu thi nhau nối sóng

Việc chạy đua tăng vốn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng. Thống kê từ Công ty chứng khoán VNDirect cho thấy, năm 2020 có 12 nhà băng được chấp thuận tăng thêm 160.000 tỷ đồng vốn điều lệ, song báo cáo tài chính cuối quý IV/2020 thì tổng cộng chỉ có khoảng 33.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung trong năm 2020.

Trong khi đó, chậm nhất đến ngày 1/1/2023 là các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Không chỉ để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, việc tăng vốn cũng gia tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng, cũng như có thêm nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn được được siết chặt lại theo lộ trình.

Điều đó cũng có nghĩa cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại. Bởi vậy không có gì là khó hiểu khi mà bước sang năm 2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên của các ngân hàng hầu hết đều đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ. Vietnam Report ghi nhận năm 2021 sẽ là cuộc đua tăng vốn của nhóm ngân hàng khi vốn đăng ký tăng thêm khoảng 82.000 tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng vốn - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng lựa chọn 2021 là thời điểm thích hợp để tăng vốn.

Việc chủ động huy động vốn của nhiều NHTM được phản ánh rõ nét qua kênh trái phiếu khi trong hai tháng qua, các ngân hàng dồn dập phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Theo kế hoạch phát hành trái phiếu đợt 11 năm 2021 mà HĐQT của VietinBank thông qua ngày 26/8, trong tháng 8 và 9, VietinBank sẽ phát hành riêng lẻ 180 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản, với lãi suất thả nổi. BIDV trong tháng 8 phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 8 năm. Trước đó, ngày 16/8/2021, VIB cũng phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm sau khi đã huy động thành công 150 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 12/8…

Bên cạnh trái phiếu, thị trường cũng ghi nhận hàng tỷ cổ phiếu được ngân hàng phát hành nhằm tăng vốn điều lệ. Kế hoạch tăng vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2021 có thể kể tới như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, VPBank... Theo đó, VietinBank và MB đầu tháng 7 đã thông báo chốt danh sách chia cổ tức với tỷ lệ lần lượt là 29% và 35%. Trong khi Vietcombank và BIDV đang chờ Chính phủ phê duyệt kế hoạch chia cổ tức. VPBank cũng mới thông qua phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Nếu thành công, năm nhà băng trên sẽ thuộc top đầu hệ thống về vốn điều lệ gồm: Vietcombank là 50.401 tỷ đồng, BIDV với 48.524 tỷ đồng, VietinBank là 48.057 tỷ đồng, VPBank là 45.057 tỷ đồng và MB là 37.782 tỷ đồng…

Các ngân hàng tầm trung cũng nỗ lực tăng vốn. Mới nhất, SeABank vừa phê duyệt phương án và giá chào bán 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10,13% để tăng vốn điều lệ từ 13.434 tỷ đồng lên hơn 14.784 tỷ đồng. SeABank cũng đã hoàn tất hai đợt phát hành để trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông và phát hành ESOP với tổng số lượng cổ phiếu phát hành thêm sau hai đợt là hơn 133,7 triệu đơn vị.

Một loạt các ngân hàng khác như MSB, SHB, OCB, HDBank… đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc tăng vốn thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, tức tăng vốn từ nguồn lợi lợi nhuận để lại sẽ thuận lợi hơn. Vì thế hiện không ít ngân hàng lựa chọn giải pháp này để tăng vốn. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn trong thời điểm hiện tại cũng khá thuận lợi. Thứ nhất, ROE (tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngành hiện nay khoảng 15%, cao hơn so với nhiều năm trước, đây được nhìn nhận là chỉ số sinh lời tốt; trong khi chỉ số P/E lại khá thấp. Thứ hai, thị trường chứng khoán cũng đang sôi động. Vì thế các nhà đầu tư dễ hấp thụ khi ngân hàng muốn phát hành cổ phiếu mới. “Tôi cho rằng thời điểm này thuận lợi vì năm 2020 tuy chúng ta vướng dịch, nửa đầu năm 2021 vẫn chịu ảnh hưởng song kết quả của các ngân hàng vẫn tương đối khả quan. Kỳ vọng về khả năng sinh lời từ đầu tư cổ phiếu ngân hàng vẫn khá khả quan, nên có thể coi đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng có thể tăng vốn”, ông chia sẻ.

Kỳ vọng vào nhà đầu tư ngoại

Tuy nhiên điều mà không ít ngân hàng kỳ vọng là đi kèm với tăng vốn, sẽ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Mặc dù theo giới chuyên môn, điều này không dễ trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều nhà đầu tư cũng phải thay đổi chiến lược đầu tư của mình đối với từng khu vực, lĩnh vực phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của dịch. Tuy vậy, hút vốn ngoại vẫn là kế hoạch đặt ra của rất nhiều nhà băng, nhất là sau một số thương vụ thành công được xem như tín hiệu tốt đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cuối tháng 4/2021, Tập đoàn SMBC của Nhật Bản đã mua 49% cổ phần Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit của VPBank với giá 1,37 tỷ USD - tương đương mức định giá FE Credit gần 2,8 tỷ USD. Mới đây, SHB đã ký thoả thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty tài chính SHB (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - một thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho rằng, việc lựa chọn được đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng sẽ góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị; công nghệ; phát triển khách hàng; mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế… Đặc biệt, thỏa thuận chuyển nhượng này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng. Phía Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ - tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Cùng với thương vụ của SHB Finance, MSB dự kiến bán toàn bộ 100% vốn Công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% như kế hoạch ban đầu. MSB cũng đang trình xin ý kiến cổ đông việc dành một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược ở thời điểm cần thiết.

SCB cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tài cơ cấu. VietCapital Bank, NCB, LienVietPostBank và nhiều nhà băng khác cũng đang khai triển kế hoạch tìm kiếm đối tác nước ngoài của mình. Một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh về room ngoại để hiện thực hoá dự định chiến lược của mình với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

“Ngân hàng lựa chọn đối tác ngoại thì ngược lại, đối tác họ cũng có những sự cân nhắc chọn đối tượng phù hợp để rót vốn. Các chỉ số an toàn, sức khoẻ tài chính của nhà băng, khả năng sinh lời của cổ phiếu, giá trị thương hiệu… đều là những mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nên việc nỗ lực để duy trì và củng cố sức khoẻ của mình, đi cùng với nâng cao tính minh bạch, quản lý rủi ro tốt thì nhà băng mới gia tăng được cơ hội để hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại”, chuyên gia chia sẻ.

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên