MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch tại TP HCM

04-12-2023 - 16:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống kê từ website của SCB, từ đầu tháng 6 đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa 39 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (27 PGD), Hà Nội (5 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (1 PGD), Gia Lai (1 PGD) và Long An (1 PGD).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch tại TP HCM - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông thông báo chấm dứt hoạt động 6 phòng giao dịch tại TP HCM.

Cụ thể, SCB chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Bảy Hiền - Chi nhánh Thống Nhất từ ngày 2/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Nguyễn Thông - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch từ ngày 2/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Thị Nghè - Chi nhánh Tân Định từ ngày 6/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Hiệp Thành - Chi nhánh Hóc Môn từ ngày 6/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch An Hội - Chi nhánh Hóc Môn từ ngày 6/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Lũy Bán Tích - Chi nhánh Thống Nhất từ ngày 6/12.

Trước đó, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội trong tháng 10 và tháng 11.

Thống kê từ website của SCB, từ đầu tháng 6 đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 39 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (27 PGD), Hà Nội (5 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (1 PGD), Gia Lai (1 PGD) và Long An (1 PGD).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có văn bản chấp thuận việc SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Phương Mai, Phòng giao dịch Hàng Gà tại Hà Nội. Song, SCB hiện chưa có thông báo chính thức về việc chấm dứt hoạt động hai phòng giao dịch này.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này.

Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Đến nay, SCB vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên