Ngân hàng trung ương Australia hạ lãi suất thấp kỷ lục
Ngày 3/5, Ngân hàng Dự trữ (ngân hàng trung ương) Australia đã có động thái nhằm ngăn chặn những lo ngại về nguy cơ giảm phát bằng cách hạ lãi suất chính thức thêm 25 điểm phần trăm, xuống mức thấp lịch sử là 1,75%.
- 06-04-2016Ngân hàng trung ương Ấn Độ hạ lãi suất thấp nhất 5 năm
- 02-04-2016Vì sao các ngân hàng chạy đua lãi suất?
- 21-03-2016"Cần xem xét lại thời hạn giải ngân, lãi suất"
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2015, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) thay đổi lãi suất kể từ khi giảm mức tương tự để xuống còn 2%.
Trước khi RBA đưa ra quyết định này, trên thị trường đã dự đoán ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất sau khi số liệu công bố tuần trước cho thấy tỷ lệ lạm phát bất ngờ giảm.
Thực vậy, lý do chính để RBA quyết định giảm lãi suất là tỷ lệ lạm phát, hiện ở mức 1,5%, mức thấp kỷ lục và thấp hơn nhiều so mục tiêu đặt ra là từ 2-3%.
Trong một tuyên bố, Thống đốc RBA Glenn Stevens cho biết tình trạng tỷ lệ lạm phát giảm ngoài dự kiến là lý do chính của quyết định cắt giảm lãi suất lần này.
Phản ứng sau quyết định của RBA, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Australia đã đồng loạt tăng điểm lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua do động thái này của ngân hàng nhận được sự hoan nghênh của các nhà đầu tư.
Chỉ số All Ordinaries Index tăng 103 điểm, lên gần 5.415 điểm, trong khi chỉ số ASX 200 Index tăng 2,1% lên 5.354 điểm. Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng đôla Australia (AUD) so với USD cũng ngay lập tức giảm 1%, xuống dưới 76 cents USD ăn 1 AUD.
Cùng ngày 3/5, Chính phủ Australia đã công bố dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2016-2017 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn từ sự phụ thuộc quá nhiều vào ngành khai thác mỏ trước đây.
Kinh tế Australia đã đạt mức tăng trưởng 3% năm ngoái, nhưng theo dự báo mà chính phủ đưa ra trong dự thảo ngân sách này, nền kinh tế lớn nhất châu Đại Dương trong năm tài chính 2016-2017 sẽ giảm tăng trưởng còn 2,5%, sau đó sẽ lại tăng lên 3% vào hai năm tài chính tiếp theo.
Thâm hụt ngân sách ước tính là 37,1 tỷ AUD (khoảng 28,1 tỷ USD), tương đương 2,2% GDP và dự kiến giảm xuống còn 26,1 tỷ AUD vào năm tài chính 2017-2018 và 15,4 tỷ AUD trong năm tài chính tiếp theo.
Tỷ lệ thất nghiệp, vào tháng Ba vừa qua là 5,7%, được dự báo giảm còn 5,5% trong năm tài chính mới bắt đầu từ tháng Bảy tới và có thể duy trì mức này cho đến tận năm 2019-2020.
Tỷ lệ lạm phát dự báo tăng 2%, chỉ bằng mức sàn mục tiêu mà Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đặt ra là từ 2-3%. Chỉ số giá tiêu dùng được dự báo tiếp tục tăng lên 2,25% vào năm tài chính 2017-2018 và lên 2,5% trong hai năm tiếp theo.
Phát biểu trước Quốc hội khi công bố dự thảo ngân sách này, Bộ trưởng Ngân khố Australia Scott Morrison cho rằng năm tài chính tới là một giai đoạn đặc biệt bởi tương lai Australia cũng như sự định hình phát triển kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào việc sẽ tiếp tục tăng trưởng ra sao khi nền kinh tế phải chuyển đổi mô hình phát triển.
Australia tránh được suy thoái suốt 25 năm qua và là một trong số ít nước trên thế giới duy trì được mức đánh giá tín nhiệm AAA, song tốc độ tăng trưởng trong các ngành công nghiệp ngoài khai thác mỏ vẫn chưa thể bù đắp được lỗ hổng tạo ra trong nền kinh tế bởi nguồn lực đầu tư khổng lồ cho ngành khai mỏ trước đây.
Ngoài ra, hiện kinh tế Australia cũng đang chịu ảnh hưởng do sự giảm sút nhu cầu từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Đây là dự thảo ngân sách đầu tiên của Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull kể từ khi lên cầm quyền tháng 9/2015, trong đó chính phủ phải tìm cách cân bằng giữa yêu cầu về giảm thâm hụt và nợ, trong khi phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Dự thảo ngân sách được công bố gần như đồng thời với việc RBA quyết định hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,75% để kích thích nền kinh tế sau khi số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng giảm ngoài dự kiến./.
Theo TTXVN/Vietnam+